18:08 25/06/2018

Thủ tướng Malaysia muốn đàm phán lại thỏa thuận cấp nước “gây tranh cãi” với Singapore

An Huy

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammad thể hiện một lập trường chính sách đối ngoại cứng rắn

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammad - Ảnh: Bloomberg.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammad - Ảnh: Bloomberg.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammad thể hiện một lập trường chính sách đối ngoại cứng rắn vốn là một đặc trưng trong nhiệm kỳ cầm quyền trước đây của ông.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ông Mahathir tuyên bố muốn đàm phán lại một thỏa thuận cung cấp nước bấy lâu với Singapore, đồng thời không ngại thách thức cả Mỹ lẫn Trung Quốc.

"Không dễ bị thuyết phục"

Vị Thủ tướng 92 tuổi nói thỏa thuận cấp nước ký vào năm 1962 giữa Malaysia với Singapore là "quá tốn kém". Tuyên bố này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước láng giềng sau khi ông Mahathir mới đây tuyên bố hủy dự án đường sắt cao tốc nối giữa Kuala Lumpur với đảo quốc sư tử.

Cấp nước là một trong những vấn đề với Singapore "mà chúng tôi cần phải giải quyết", ông Mahathir nói. "Chúng tôi sẽ ngồi xuống và nói chuyện với họ, như những người văn minh", ông nói.

Khác với chính sách đối ngoại thực dụng của người tiền nhiệm Najib Razak, ông Mahathir cũng nói sẽ xem xét lại các dự án đầu tư của Trung Quốc và gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump là "dễ thay đổi". Theo ông Mahathir, cả Mỹ và Trung Quốc đều không nên đua tranh để trở thành siêu cường dẫn đầu khu vực.

Việc ông Mahathir sẵn sàng chống lại ảnh hưởng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đối lập với cựu Thủ tướng Najib, người từng chơi golf và ăn tối với các Tổng thống Mỹ và tự xưng là một "người bạn thực sự" của Trung Quốc. Những phát biểu này của ông Mahathir gợi nhớ lại quãng thời gian cầm quyền đầu tiên của ông từ năm 1981-2003, khi Malaysia căng thẳng với Singapore về vấn đề cấp nước và lãnh thổ, tranh cai với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và chỉ trích nhà đầu cơ người Mỹ George Soros về vai trò của ông Soros trong sự mất giá của đồng Ringgit khi đó.

"Ông Mahathir đang chứng tỏ rằng ông ấy không phải là một người dễ bị thuyết phục như người tiền nhiệm của ông ấy", nhà tư vấn Oh Ei Sun thuộc Pacific Research Center ở Malaysia nhận xét. "Quan hệ song phương giữa Malaysia với Singapore sẽ không xấu đi, nhưng sẽ giống như một mối quan hệ làm ăn trong nhiệm kỳ của ông ấy".

Muốn tìm kiếm thỏa thuận bình đẳng

Malaysia là nguồn cung cấp đáp ứng gần một nửa nhu cầu nước của Singapore thông qua các thỏa thuận cấp nước giữa hai nước, trong đó thỏa thuận đầu tiên có từ năm 1927. Thỏa thuận hiện tại có từ năm 1962 và sẽ hết hạn vào năm 2061, theo đó Malaysia sẽ cung cấp cho Singapore 250 triệu gallon nước chưa qua xử lý mỗi ngày, với mức giá 3 sen Malaysia mỗi 1.000 gallon; và Malaysia có thể mua lại một phần của lượng nước này với giá 50 sen (tương đương khoảng 0,12 USD) mỗi 1.000 gallon.

Những thỏa thuận cấp nước này luôn là một nguồn của sự tranh cãi chính trị ở cả Malaysia và Singapore. Hai nước thậm chí đều dùng đến những quảng cáo toàn trang đăng trên các tờ báo khu vực để bày tỏ quan điểm của mình về thỏa thuận cấp nước. Có lần, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu tuyên bố sẵn sàng đưa quân đến Malaysia nếu nước này tìm cách cắt cung cấp nước cho Singapore.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Mahathir nói ông sẽ thân thiện với Singapore và các quốc gia khác, nhưng sẽ tập trung vào đạt những thỏa thuận bình đẳng và đảm bảo sự cân bằng.

"Tôi cho rằng chúng ta đều có thể hưởng lợi từ nhau", ông Mahathir nói. "Chúng tôi cần chuyên môn của Singapore. Nhiều người Singapore đầu tư vào Malaysia vì mọi thứ ở đây rẻ hơn nhiều".

Về ông Trump, ông Mahathir nói "ông ấy thay đổi quan điểm trong vòng 24 giờ", nhấn mạnh việc ông Trump từng thay đổi kế hoạch gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Singapore. "Khi có một người như thế, các bạn cần phải thận trọng".

Không tin vào thương mại tự do

Trong khi chính quyền ông Najib đẩy nhanh các thay đổi pháp lý cần thiết để thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Mahathir kêu gọi điều chỉnh thỏa thuận gồm 11 quốc gia thành viên này để bảo vệ lợi ích của các nền kinh tế nhỏ và yếu hơn. Ông nói một số điều khoản mà Mỹ đưa vào thỏa thuận trước khi Washington rút lui đặt các quốc gia như Malaysia vào thế bất lợi.

"Tôi không tin vào thương mại tự do, thương mại tự do hoàn toàn, bởi vì khi có sự cạnh tranh giữa nước yếu và nước mạnh, cần phải có một sự bảo vệ nào đó cho nước yếu", ông Mahathir nói, đồng thời tuyên bố Malaysia sẽ tìm cách chống lại những chính sách bất lợi của Mỹ nếu trở thành một mục tiêu bị ông Trump nhằm vào.

Trong chiến dịch tranh cử Thủ tướng, ông Mahathir đã cam kết sẽ tăng cường giám sát hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở Malaysia, trong bối cảnh vốn đầu tư của Trung Quốc đã gây nhiều quan ngại về vấn đề an ninh, chủ quyền và bất bình đẳng kinh tế ở nhiều quốc gia từ Australia tới Sri Lanka.

Malaysia có vị trí địa lý nằm trên eo biển Malacca, nơi 40% dòng chảy thương mại toàn cầu đi qua. Vị trí chiến lược này giúp Malaysia trở thành quốc gia có vai trò quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Không chỉ thận trọng với vốn Trung Quốc, ông Mahathir cũng chủ trương cắt giảm đầu tư công. Kể từ khi lên cầm quyền, ông Mahathir đã đặt câu hỏi xung quanh số dự án đầu tư công với tổng trị giá 34 tỷ USD, bao gồm một dự án đường ống dẫn khí đốt và dự án đường sắt cao tốc. "Chúng tôi sẽ phải đi chậm lại với những thứ như vậy, đơn giản vì chúng tôi không có tiền", ông nói.

Cũng giống như trước kia, ông Mahathir không hề lo ngại về những lời chỉ trích nhằm vào mình. "Tôi muốn xoay chuyển nền kinh tế để đưa kinh tế tăng trưởng trở lại, để đạt tới địa vị quốc gia phát triển trong thời gian sớm nhất có thể", ông nói. "Dù mọi người có đánh giá cao tôi hay không, điều đó không quan trọng. Kiểu gì khi tôi chết, họ cũng sẽ nói những điều khó nghe mà thôi".