Thủ tướng Merkel công bố kế hoạch rút lui khỏi chính trường
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ không tái tranh cử cả cương vị Thủ tướng và Chủ tịch đảng
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 29/10 tuyên bố sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 sau khi nhiệm kỳ hiện tại của bà chính thức kết thúc vào năm 2021.
Ngoài ra, theo hãng tin CNBC, bà Merkel cũng cho biết sẽ không tái tranh cử chức Chủ tịch Đảng Liên đoàn Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) khi đảng này tổ chức bầu cử vào tháng 12 năm nay.
"Đây là nhiệm kỳ Thủ tướng cuối cùng của tôi", bà Merkel nói. "Tôi cũng sẽ không tái tranh cử cương vị Chủ tịch CDU. Tôi sẽ không chạy đua vào bất kỳ vị trí chính trị nào sau khi kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng hiện nay vào năm 2021".
Đây là lần đầu tiên bà Merkel xác nhận sẽ rời chính trường Đức kể từ khi bà lên cầm quyền vào năm 2005.
Tuyên bố trên được bà Merkel đưa ra sau khi CDU hứng thất bại trong một cuộc bầu cử vùng ở bang Hesse vào hôm Chủ nhật. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy CDU chỉ giảnh 27% số phiếu trong cuộc bầu cử này, giảm 11,3 điểm phần trăm so với kết quả mà đảng này đạt được trong lần bầu cử gần đây nhất diễn ra vào năm 2013, đồng thời là kết quả tệ nhất từ năm 1962.
Trong khi đó, Đảng Xanh giảnh 19,7% số phiếu, tăng từ mức 11,1% vào năm 2013. Đảng dân tộc chủ nghĩa AfD nhận 13,2%, tăng gấp 3 lần so với cuộc bầu cử trước, và nhờ đó lần đầu tiên có ghế trong nghị viện vùng.
Với chủ trương chống người nhập cư, đảng AfD nổi lên mạnh mẽ trên chính trường Đức những năm gần đây, sau khi bà Merkel mở cửa đón hơn 1 triệu người nhập cư vào Đức năm 2015. Chính sách nhập cư cởi mở của bà Merkel vấp phải sự phản đối của nhiều người Đức và bị cho là nguyên nhân dẫn tới nhiều xáo trộn trong đời sống kinh tế - xã hội ở nước này.
Bà Merkel, 64 tuổi, dự kiến sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Đức cho tới hết nhiệm kỳ, dù không còn nắm cương vị Chủ tịch Đảng. 3 năm tới sẽ là khoảng thời gian để Chủ tịch mới của CDU chuẩn bị cho cuộc bầu cử liên bang tiếp theo vào năm 2021.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tỏ ra hoài nghi về khả năng bà Merkel có thể cầm quyền đến hết nhiệm kỳ thứ tư, vì với một chính phủ liên minh rời rạc hiện nay, cộng thêm việc không còn giữ chức Chủ tịch đảng, bà Merkel có thể sẽ chẳng còn mấy quyền lực trong tay sau cuộc bầu cử thủ lĩnh CDU vào ngày 7/12.
Trong suốt 13 năm cầm quyền qua, bà Merkel được coi là một nhân vật không thể có người thay thế trên chính trường Đức. Bà là nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu, một trụ cột cho sự ổn định và cho các thể chế của châu lục như Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đến nỗi người Đức gọi bà là Mutti, tức "Mẹ".
Dưới sự lãnh đạo của bà Merkel, EU đã vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tiếp đến là cuộc khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, những năm gần đây, châu lục đã chứng kiến những thay đổi lớn về chính trị, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nhập cư và việc Anh rút khỏi EU, hay còn gọi là Brexit.
Việc bà Merkel, một nhà lãnh đạo theo đường lối trung dung, rời chính trường, được dự báo sẽ khiến nền chính trị châu Âu có sự phân cực ngày càng sâu sắc giữa phe tả và phe hữu.