10:38 28/09/2018

Thủ tướng: "Mỗi quốc gia phải có trách nhiệm với vấn đề toàn cầu"

Nguyên Hà

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tiếng nói của một nước nhỏ hay khát vọng của những người yếu thế cần phải được tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp của Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp của Liên Hợp Quốc.

"Tư duy cường quyền đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, sự gia tăng các biện pháp đơn phương tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định quốc tế".

Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 73 ở New York, Hoa Kỳ, sáng 28/9 (giờ Việt Nam).

Hàng loạt thách thức của thế giới

Theo Thủ tướng Việt Nam, ngày nay Liên hiệp quốc đã thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu, nơi kết tinh các giá trị tiến bộ nhân văn và hiện thực hóa khát vọng vươn lên vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng, công bằng.

Trong hơn 70 năm qua, Việt Nam đã đồng hành và đóng góp cho các mục tiêu cao cả của Liên Hợp Quốc. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ MDG 2015 của Liên hiệp quốc, nhất là về xóa đói giảm nghèo. Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao Hiến chương Liên hiệp quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, trong đó có khu vực biển Đông.

Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho công bằng và phát triển bền vững; thúc đẩy bình đẳng, hỗ trợ các nhóm yếu thế; bảo vệ tốt môi trường; bảo đảm quyền cho mọi người dân, đồng thời đề cao tinh thần đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người.

Theo Thủ tướng, hiện nay nhân loại đang đứng trước cơ hội bước vào giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử, góp phần củng cố xu thế lớn của toàn cầu về hòa bình, hợp tác và phát triển.

Tuy nhiên, thế giới cũng đang phải đối mặt với những thách thức mới, rất to lớn. Hòa bình thế giới vẫn chưa được bảo đảm. Tư duy cường quyền đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, sự gia tăng các biện pháp đơn phương tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định quốc tế. Tình trạng bất công và bất bình đẳng còn tồn tại nhiều nơi trên thế giới; sự phát triển của toàn cầu vẫn có nhiều rủi ro, thiếu ổn định; tác động lan rộng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; đói nghèo vẫn là một thách thức to lớn.

"Cần lắng nghe tiếng nói của nước nhỏ"

Thủ tướng nêu rõ: "Không một quốc gia nào, dù đó là các cường quốc giàu mạnh, có đủ sức giải quyết những thách thức to lớn đối với toàn cầu hiện nay, điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của mọi quốc gia trên hành tinh. Tôi đề nghị vấn đề 'trách nhiệm kép', mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu".

Cụ thể là các quốc gia cần tiếp tục đề cao vai trò của Liên hiệp quốc và cùng nhau đoàn kết, phấn đấu vì một thế giới hoà bình, công bằng và phát triển bền vững. Các cường quốc, các nước phát triển hãy bằng hành động thiết thực, hãy là những tấm gương đi đầu trong gìn giữ hòa bình và phát triển. Đại hội đồng Liên hiệp quốc hãy là trung tâm để các quốc gia, dân tộc hợp tác vì hòa bình, công bằng và phát triển bền vững.

"Hòa bình, tự do và thịnh vượng luôn là mong mỏi, khát vọng của mọi dân tộc. Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tiến bộ của nhân loại không chỉ được đo bằng những thành tựu của công nghệ mà trước hết phải là hòa bình, thịnh vượng và phải biết chắt chiu, nắm lấy từng cơ hội dù nhỏ nhoi cho hòa bình. Việt Nam thấu hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình, quyền bình đẳng, "quyền dân tộc tự quyết", "quyền mưu cầu hạnh phúc" và các giá trị dân chủ của Hiến chương Liên hiệp quốc", Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, tiếng nói của một nước nhỏ hay khát vọng của những người yếu thế cần phải được tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ. Đó là nền tảng cho phát triển bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau, là cơ sở của ổn định xã hội cũng như bảo đảm quyền và phát huy sức sáng tạo của mỗi người.

"Và lúc này, tôi muốn cùng quý vị đặt ra câu hỏi chúng ta muốn một Liên Hợp Quốc như thế nào? Trả lời câu hỏi này, tôi đánh giá cao những đề xuất cải tổ của ngài Tổng thư ký Liên hiệp quốc, nhất là "tái định vị hệ thống phát triển Liên hiệp quốc", Thủ tướng nói và đề nghị Liên hiệp quốc tăng cường hợp tác với các khu vực, trong đó có đẩy mạnh cơ chế hợp tác thượng đỉnh Liên hiệp quốc và ASEAN theo hướng tăng nội hàm của Liên hiệp quốc trong ASEAN và làm đậm nét nội hàm ASEAN trong Liên hiệp quốc.

Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn 53 nước châu Á - Thái Bình Dương đã nhất trí đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của nhóm vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021và cảm ơn sự ủng hộ rộng rãi của các nước khác dành cho Việt Nam.