09:32 14/03/2024

Thủ tướng nêu 6 câu hỏi khắc phục tình trạng ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp khát vốn

Ánh Tuyết

Sáng ngày 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Người đứng đầu Chính phủ nêu 6 vấn đề tháo gỡ ách tắc tín dụng hiện nay...

Trọng tâm của hội nghị là tìm cách thoát khỏi tăng trưởng tín dụng trì trệ, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%. Ảnh: Cổng Thông tin Chính phủ.
Trọng tâm của hội nghị là tìm cách thoát khỏi tăng trưởng tín dụng trì trệ, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%. Ảnh: Cổng Thông tin Chính phủ.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ năm 2023, Việt Nam đạt được những kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; giá trị VND cơ bản ổn định, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách trong tầm kiểm soát.

Cùng với đó, ngân sách tiết kiệm được 560 nghìn tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 và dự kiến tăng mức lương tối thiểu khu vực ngoài nhà nước. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân được cải thiện; phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh; quốc phòng an ninh  tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt những thành tựu có tính lịch sử.

THÁCH THỨC  BỦA VÂY, NGÂN HÀNG TRONG THẾ KHÓ

Theo người đứng đầu Chính phủ, mặc dù đầu năm 2024, các tín hiệu tiếp tục cho thấy nền kinh tế đang phục hồi trên tất cả các lĩnh vực nhưng kinh tế thế giới năm 2024 được đánh giá còn rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Kinh tế Việt Nam có khởi sắc, tiến bộ, phục hồi, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức và khó khăn, thách thức khó lường. Do đó, không được chủ quan, cần tiếp tục phát huy các thành quả, phát hiện các khó khăn, vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ.

Thủ tướng nêu rõ một trong những bài học kinh nghiệm quý báu của đất nước ta là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân, trong đó có doanh nghiệp, đây là những chủ thể làm nên lịch sử, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Thủ tướng nêu rõ tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm giảm, lượng tiền gửi còn rất lớn, lãi suất cho vay còn cao - Ảnh  Cổng Thông tin Chính phủ
Thủ tướng nêu rõ tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm giảm, lượng tiền gửi còn rất lớn, lãi suất cho vay còn cao - Ảnh  Cổng Thông tin Chính phủ

Về chính sách tiền tệ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo điều hành quyết liệt, đồng bộ, cụ thể, sát thực tiễn. Cách đây hơn 3 tháng (ngày 07/12/2023), Thủ tướng chủ trì hội nghị với các chủ tịch, tổng giám đốc ngân hàng thương mại bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Ngày 05/3/2024, Thủ tướng tiếp tục có Công điện số 18/CĐ-TTg về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.

Ngân hàng Nhà nước cố gắng, điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, các doanh nghiệp nỗ lực cơ cấu lại hoạt động phù hợp tình hình, các tổ chức tín dụng cũng chia sẻ để có dòng vốn lưu thông tốt hơn.

Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023 trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn (14 triệu tỷ đồng), lãi suất cho vay vẫn còn cao.

Hơn nữa, nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm. Một số chương trình tín dụng chưa hiệu quả như gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, trong khi gói 15 nghìn tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản lại giải ngân rất nhanh...

TĂNG KHẢ NĂNG TIẾP CẬN VỐN TÍN DỤNG

Trước những bất cập nêu trên, Thủ tướng đề nghị đại biểu, nhất là chủ tịch, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại tập trung thảo luận, đưa ra giải pháp cụ thể đối với một số vấn đề cơ bản.

Một, việc điều hành chính sách tiền tệ, nhất là lãi suất, tỷ giá như thế nào để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng (khoảng 6-6,5%) và giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

 

"Vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm? Nút thắt ở đâu, nguyên nhân là gì, do quy định, do điều hành, do thận trọng hay do cục bộ?".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3,3%/năm, giảm 0,2%/năm so với cuối năm 2023.

Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới ở mức 6,4%/năm, giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2023 nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện còn cao.

Hai, vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm? Nút thắt ở đâu, nguyên nhân là gì, do quy định, do điều hành, do thận trọng hay do cục bộ?.

Ba, tình hình cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế, từng ngành, lĩnh vực đã tốt chưa, đâu là điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ khắc phục, đảm bảo việc cung ứng vốn không ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm. Làm thế nào để cung ứng vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất kinh doanh?

Bốn, cần có các giải pháp gì tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các giải pháp về lãi suất, thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, các biện pháp về bảo lãnh, các biện pháp về truyền thông, công nghệ...?

Năm, các ngân hàng thương mại cần làm gì để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% như Ngân hàng Nhà nước đã giao ngay từ đầu năm? Làm thế nào để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, để hệ thống ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp?

Sáu, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cần phải làm gì, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần làm gì để kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp? Cần có những công cụ gì, chẳng hạn như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, trong khi còn những khó khăn, vướng mắc và hiện có dư địa, không gian để làm tốt hơn, Thủ tướng đề nghị đại biểu tập trung thảo luận, phát biểu thẳng thắn, không tô hồng, không bôi đen, chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được.

Đồng thời, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm; những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương, giải đáp được một phần những vấn đặt ra.