10:53 09/04/2019

Thủ tướng nêu định hướng về phát triển ngành đường sắt

Nguyên Hà

Thủ tướng lưu ý tập trung 4 dự án đường sắt quan trọng đã được Quốc hội thông qua phương án sử dụng nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020

Mục tiêu đến năm 2050 là phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, tổ chức quản lý khai thác vận tải, công nghiệp và dịch vụ với trình độ cao.
Mục tiêu đến năm 2050 là phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, tổ chức quản lý khai thác vận tải, công nghiệp và dịch vụ với trình độ cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Công an, trong đó lưu ý tập trung 4 dự án đường sắt quan trọng đã được Quốc hội thông qua phương án sử dụng nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

4 dự án nói trên gồm: Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh có tổng mức đầu tư dự kiến 1.600 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng; gia cố hầm yếu, kết hợp mở mới 3 ga và cải tạo kiến trúc hạ tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực đường sắt trong các giai đoạn tới theo Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 10/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ) và Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ).

Bộ Giao thông Vận tải chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch ưu tiên nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực đường sắt, nghiên cứu phương án cân đối nguồn lực trong các kế hoạch đầu tư công trung hạn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Mục tiêu của Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, tổ chức quản lý khai thác vận tải, công nghiệp và dịch vụ với trình độ cao; bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả.