16:11 05/12/2022

Thủ tướng: Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và thực hiện ngay việc nâng hạn mức tín dụng phù hợp

Vũ Phong

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là thanh khoản, kể cả nới "room" tín dụng, ngân hàng thương mại cũng khó xoay đủ nguồn cho vay...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu chiều ngày 4/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng; Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường Bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng; Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng.

Theo đó, các địa phương phải phối hợp với các tổ công tác để trao đổi thông tin với nhau, tìm hiểu đúng nguyên nhân bản chất, góp phần xử lý những vấn đề còn đang khó khăn, vướng mắc, tiềm ẩn rủi ro.

“Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng tiến hành rà soát, phân loại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, lành mạnh, an toàn, bền vững, nghiên cứu và thực hiện ngay việc nâng hạn mức tín dụng phù hợp, hiệu quả để vừa kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn”, Thủ tướng chỉ đạo.

Trước đó, khá nhiều hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề đã đưa ra kiến nghị mong Ngân hàng Nhà nước nới "room" tín dụng cho các ngân hàng thương mại để họ dễ dàng tiếp cận vốn vay.

Thậm chí, kiến nghị nới "room" được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhắc rất nhiều lần mỗi khi gửi văn bản lên cơ quan bộ ngành. Gần nhất, hiệp hội này cho mong muốn Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét nới room tín dụng thêm 1% (nâng trần tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên 15%). Qua đó, bơm thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh. Về thời gian, HoREA đề xuất nới "room" ngay trong giai đoạn cao điểm tháng 12 đến trước Tết Quý Mão 2023.

 

"Ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước có nới thêm room tín dụng thì ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay tiếp".

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc ngân hàng nới "room" tín dụng chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ để các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Bởi lẽ, ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước có nới thêm "room" tín dụng thì ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay tiếp thêm.

“Số liệu tín dụng 10 tháng đầu năm tăng trưởng 11,5% trong khi nguồn vốn chỉ tăng 4,8%. Do đó, các ngân hàng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn; tính chung cả ngành về con số tuyệt đối, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau”, ông Hùng nói.

Mặc dù đại diện Hiệp hội Ngân hàng không nói thẳng ra nhưng có thể hiểu rằng, ngân hàng cũng đang phải loay hoay đi kiếm vốn. Và muốn doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn trong thời gian này, nhà điều hành tiền tệ phải bơm thêm tiền hoặc điều chỉnh các hệ số an toàn vốn.

Trong một diễn biến liên quan, theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng Việt Nam mới đây, Chứng khoán Maybank (MBKE) đề cập đến thông tin Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo sửa đổi Thông tư 22 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn đối với các ngân hàng thương mại.

Dựa trên những thông tin mà MBKE có được cho đến nay, những thay đổi nổi bật trong cách tính LDR có thể bao gồm: tổng dư nợ cho vay sẽ cộng thêm trái phiếu doanh nghiệp và trừ đi vốn chủ sở hữu; tổng huy động sẽ trừ các khoản vay liên ngân hàng. Theo đó, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) của ngân hàng sẽ có những thay đổi đáng chú ý.

Đánh giá về những thay đổi trên, nhóm phân tích cho rằng việc gộp trái phiếu doanh nghiệp vào tổng dư nợ cho vay là hợp lý, bởi vì trái phiếu doanh nghiệp về cơ bản cũng là một khoản vay. Nhờ việc khấu trừ giá trị "vốn chủ sở hữu" khỏi tổng dư nợ cho vay, điều này sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ LDR so với cách tính toán trước đó, bởi vì số dư trái phiếu doanh nghiệp cho đến nay bé hơn giá trị vốn chủ sở hữu tại hầu hết các ngân hàng.

Nguồn MBKE
Nguồn MBKE

Ngoài ra, giới hạn về tỷ lệ LDR được quy định trong Thông tư 22 sửa đổi có thể được duy trì ở mức 85%, nhưng có thể thực hiện theo từng giai đoạn. Theo những thông tin MBKE nhận biết cho đến nay, giới hạn về LDR sẽ là 90 vào cuối năm 2023, 87% vào cuối năm 2024, và sau đó là 85%.

Dựa trên dự thảo sửa đổi ban đầu này, nhóm phân tích tại MBKE ước tính tỷ lệ LDR theo quy định của các ngân hàng có thể sẽ gần với quy định.