20:55 02/12/2019

Thủ tướng yêu cầu giảm bội chi, không vượt trần nợ công

Nguyên Vũ

Thủ tướng Chính giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 cho các bộ, cơ quan trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Thủ tướng giao Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương, có biện pháp tích cực để giảm bội chi
Thủ tướng giao Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương, có biện pháp tích cực để giảm bội chi

Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính vừa giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 cho các bộ, cơ quan trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tăng cường giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong phạm vi quản lý được giao, có nhiệm vụ đôn đốc các doanh nghiệp nhà nước nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo theo quy định.

Các cơ quan này cũng được giao chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước đôn đốc doanh nghiệp nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước số thu cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức bộ mày hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, thực hiện cơ cấu lại ngân sách trong từng lĩnh vực, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với ngân sách của các địa phương, phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập, được sử dụng theo nguyên tắc: dành 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm do tăng mức lương cơ sở trong từng lĩnh vực chi tương ứng; dành 50% còn lại thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng.

Việc quyết định chi cho từng nội dung do địa phương quyết định theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương, có biện pháp tích cực để giảm bội chi. Bộ này còn được giao tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ nhằm bảo đảm không vượt quá giới hạn về trần nợ công.

Tăng lương từ 1/7/2020 

 Với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ tướng yêu cầu trong điều hành, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi và sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư (sau khi đã bảo đảm đủ nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương) để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành, giảm yêu cầu hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Các tỉnh, thành thực hiện sắp xếp các khoản chi để bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2020, bố trí kinh phí đầy đủ cho các chính sách đã ban hành.

Theo lộ trình, từ ngày 1/7/2020, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở.

Yêu cầu với các địa phương còn là tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn để cải cách tiền lương trong năm 2020 từ một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị. Tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2019 còn dư chuyển sang (nếu có).

 Đồng thời, các địa phương phải dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% nguồn tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương so với dự toán năm 2019, 50% nguồn tăng thu dự toán năm 2020 của ngân sách địa phương so với dự toán năm 2019, 50% phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập của ngân sách địa phương năm 2020 để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021 - 2025.