10:52 13/07/2018

Thúc đẩy bình đẳng giới hướng tới nền kinh tế toàn cầu bền vững hơn

P.V

Phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, đang ngày càng tham gia sâu vào mọi hoạt động trong cộng đồng

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: "Phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng" diễn ra sáng 13/7 tại khách sạn Melia Hà Nội - Ảnh: Quang Phúc.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: "Phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng" diễn ra sáng 13/7 tại khách sạn Melia Hà Nội - Ảnh: Quang Phúc.

Dù được đánh giá là một trong những quốc gia đạt thành tựu cao về thực hiện bình đẳng giới, Việt Nam vẫn đang nỗ lực hoàn thiện chính sách cũng như hướng tới hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới. Đặc biệt, hướng tới sự tăng trưởng và phát triển bền vững của khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo xếp hạng của Liên hợp quốc về chỉ số bình đẳng giới (GII) năm 2014, Việt Nam xếp thứ 60/154 quốc gia trên thế giới. Còn theo Báo cáo Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2013 (MDG 2013), mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ là một trong 3 mục tiêu thiên niên kỷ đã được Việt Nam hoàn thành trước thời hạn năm 2015.

Việt Nam theo đuổi chiến lược bình đẳng giới

Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới.Việt Nam đã xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, lồng ghép bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực thi pháp luật ở trong nước.

Việt Nam cũng ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ. 

Mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ, một trong 3 mục tiêu thiên niên kỷ (MDG 2013), được Việt Nam hoàn thành trước thời hạn năm 2015, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.

Trên thực tế, phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, đang ngày càng tham gia sâu vào mọi hoạt động trong cộng đồng. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội khóa XIV (2016-2021) đạt 26,8%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới. 

Mới đây, tại Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26), Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định, bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng mà Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều hướng đến và được coi là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội.

Hành động biến chiến lược thành kết quả

Nói về bình đẳng giới tại nơi làm việc, bà France-Massin, đại diện của ILO cho biết, lồng ghép các vấn đề về giới vào xúc tiến và tạo việc làm giúp nâng cao hiệu quả cho công tác tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế; phát triển nguồn nhân lực; phát triển bền vững; và giảm thiểu đói nghèo. 

Những tiến bộ về gia tăng sự tham gia lực lượng lao động của nữ giới và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ đã và đang được diễn ra trên toàn thế giới trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đưa bình đẳng giới trong lao động việc làm thành hiện thực. 

Còn mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc tại Việt Nam thì khẳng định, trong các mục tiêu phát triển bền vững trong đó có vấn đề bình đẳng giới, doanh nghiệp tiếp tục vai trò của mình trong hành trình tiến tới một nền kinh tế toàn cầu bình đẳng, bền vững và hội nhập hơn.

Thời gian qua khá nhiều các tổ chức trong và ngoài nước đã cùng các cấp các ngành trong cả nước cùng chung tay thúc đẩy bình đẳng giới. Qua chương trình Đầu tư cho phụ nữ (Investing in Women - IW) của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (Vietnam Business Coalition for Women Empowerment - VBCWE) đã được thành lập. 

Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ quyền năng phụ nữ (VBCWE) cho biết, VBCWE được sáng lập bởi các doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng với quy mô nhân sự lớn. 

Các doanh nghiệp này sẽ có những bước hành động thích hợp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới tại chính công ty của họ, từ đó tác động đến cộng đồng các doanh nghiệp khác cả trong và ngoài chuỗi cung ứng, góp phần xây dựng môi trường và điều kiện làm việc tốt hơn, bình đẳng hơn cho nữ giới.

"Hành động của VBCWE nhằm  không chỉ thu hẹp chêch lệch tiền lương theo giới mà còn gia tăng vai trò nữ giới trong các vị trí lãnh đạo và quản lý. Tăng cường sự tham gia của nữ giới vào môi trường làm việc. Đồng thời đầu tư cho các điều kiện làm việc thân thiện với nữ giới. Cùng đó, các cấp lãnh đạo và quản lý thúc đẩy mục tiêu bình đẳng giới một cách có hệ thống trong công ty", bà Hà Thị Thu Thanh khẳng định.

Có thể thấy, thúc đẩy bình đẳng  giới ở nơi làm việc cũng sẽ là chìa khóa để tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và nhờ vậy, nắm bắt được các lợi ích về kinh tế và xã hội khi đất nước đang hội nhập sâu rộng hơn...