Thuế môi trường với xăng dầu: "Tôi biết vẫn còn nhiều lăn tăn"
"Tăng thuế thì có thể chúng ta sẽ thêm vài ngàn tỷ đồng, nhưng chưa biết diễn biến tình hình thế nào", Chủ tịch Quốc hội nói
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu, người phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận sáng 12/7 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo nghị quyết biểu thuế môi trường, đã nhắc đến một phát biểu của người đứng đầu Chính phủ sau khi nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng thiết yếu.
Tại phiên thảo luận này, với quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ chưa tăng như đề xuất của Chính phủ. Thời điểm xem xét lại vấn đề này cũng chưa được ấn định.
Thế nhưng trước đó, các ý kiến trong phiên thảo luận đã cân nhắc vấn đề tăng thuế dưới nhiều góc độ.
Sợ khó kiểm soát
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nói, cách đây hơn một tháng, Thủ tướng đã phát biểu không điều chỉnh giá một số mặt hàng. Tuy nhiên, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu thì cũng là tăng giá, trực tiếp tác động ngay sau 45 ngày.
45 ngày là thời điểm nghị quyết sẽ có hiệu lực nếu được thông qua, và khi đó thì thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng từ 3000 đồng lên 4.000 lít, tối đa trong khung cho phép. Tức là giá xăng sẽ tăng, ông Giàu nói.
Khả năng giá xăng tăng ở thời điểm này khiến cho Chủ nhiệm Giàu băn khoăn vì trong nước thì từ 1/7 nâng lương, mùa mưa bão đang trước mắt, thế giới thì chiến tranh thương mại đang căng thẳng...
"Nếu là tôi thì điều chỉnh giá cả thì sau Tết Âm lịch là phù hợp, còn các tháng khác thì không phù hợp, sợ nhất là mưa bão, giá cả không biết làm sao mà kiểm soát. Nếu nghị quyết được thông qua, tức là từ 27/8 có hiệu lực, tôi đề xuất anh Dũng (Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - PV) cân nhắc chọn thời điểm", ông Giàu nói.
Nhấn mạnh mức Chính phủ đề nghị đã tính hết khung, là mức cao nhất, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng cần cân nhắc thời điểm vì việc này chắc chắn tác động đến giá cả. Ông Phúc cũng nhắc đến sự liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã được Quốc hội quyết không quá 4%, và diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
"Tăng giá dầu mazut tác động trực tiếp đến dân, mà giá cũ đã cao rồi, cần phải rất cân nhắc. Rồi giá than đá cũng đề nghị tăng, trong khi Việt Nam thì chủ yếu là điện than...", ông Phúc nói tiếp.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng phải dành thêm thời gian bàn cho kỹ, bởi tăng thuế xăng dầu là vấn đề khó.
Theo bà Nga, xăng là mặt hàng thiết yếu, đụng vào là ảnh hưởng đến cả xã hội, trong khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng đã là "không đúng" thì nay lại tăng thuế bảo vệ môi trường.
Cân nhắc lợi - hại
Phát biểu lần thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu có thể tăng một chút lạm phát mà tạo ra nguồn thu 15 - 16 ngàn tỷ thì cũng cần thiết, và nguồn thu này phải chi lại cho bảo vệ môi trường.
Cũng rất băn khoăn, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhắc lại tuyên bố của Thủ tướng là từ giờ đến cuối năm không tăng giá điện. Nhưng tăng thuế với xăng thì rõ ràng giá nhiều mặt hàng sẽ tăng.
Băn khoăn của bà Hải còn liên quan đến một thông tin từ tờ trình của Chính phủ. Đó là giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản hiện đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN và Châu Á. Cụ thể thấp hơn Lào là 5.556 đồng/lít, Campuchia là 3.745 đồng/lít, Trung Quốc là 1.468 đồng/lít...
Theo bà Hải thì không chỉ nêu giá thấp hơn mà cần bóc tách xem trong cơ cấu giá thì thuế chiếm bao nhiêu phần trăm. Hơn nữa cũng không nên cung cấp thông tin một chiều mà cần cho biết cả gía xăng ở Việt Nam đang cao hơn những nước nào và cao hơn bao nhiêu.
"Cần cân nhắc dư luận xã hội, đặc biệt Quốc hội là nơi đại diện cho nguyện vọng của dân", bà Hải nói.
Từ vị trí điều hành, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định xem tăng thuế thì có thể kiểm soát được CPI dưới 4% không, và nếu tăng mà giữ được CPI thì Thuờng vụ Quốc hội sẽ xem xét.
Bộ trưởng Dũng đứng dậy và đính chính rằng Thủ tướng tuyên bố từ nay đến cuối năm không tăng giá điện, xăng dầu điều hành theo giá thị trường, nếu có điều kiện thì điều chỉnh giá dịch vụ công, chứ Thủ tướng không nói là không tăng giá nói chung.
Về thời điểm thì Bộ trưởng nói, bản thân ông cũng rất băn khoăn, có hai mốc ông cho là hợp lý là 1/8 hoặc 1/10, còn không thiên về dịp Tết, bởi khi đó rất nhiều vấn đề.
Người đứng đầu ngành tài chính cũng nói rằng với tình hình rất khó dự đoán như hiện nay của tỷ giá và chiến tranh thương mại, cộng thêm diễn biến giá dầu thế giới, nếu có dự báo cũng để "cho vui" thôi, nên việc trả lời câu hỏi của Phó chủ tịch Hiển là không khả thi.
"Tăng thuế xăng dầu có thể tăng CPI thêm chút nhưng thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng thu ngân sách thì cũng tốt", Bộ trưởng thể hiện sự đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội phát biểu trước đó.
Chưa biểu quyết
Lần thứ hai lên tiếng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, giá xăng dầu là Nhà nước quản lý, nên không cứ tăng thuế là tăng giá một cách cơ học.
Bà cũng đồng tình với cách đặt vấn đề là giá xăng dầu của Việt Nam có thấp hơn một số nước, nhưng thuế là bao nhiêu phần trăm, nếu thuế cao hơn thì phải tính lại chứ không để cao hơn các nước trong khu vực được.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, ở Việt Nam thuế chiếm 36,5% cơ cấu giá xăng, trong khi nhiều nước khác đều từ 46% trở lên.
Mặc dù vậy, Thường vụ Quốc hội còn nhiều lo lắng.
"Tăng thuế thì có thể chúng ta sẽ thêm vài ngàn tỷ đồng, nhưng chưa biết diễn biến tình hình thế nào. Lắng nghe các ý kiến thảo luận, tôi biết vẫn còn nhiều lăn tăn. Vì vậy, tôi đề nghị thảo luận, nhưng chưa biểu quyết thông qua", Chủ tịch Quốc hội bất ngờ đề nghị khi Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển đang chốt các nguyên tắc để tiến hành biểu quyết.
Hiếm có phiên họp nào của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết thúc khi mà đồng hồ đã qua 12h trưa khá lâu như vậy.