09:23 12/08/2019

Thương chiến Mỹ-Trung, “ác mộng” của thị trường dầu

Bình Minh

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang chứng tỏ là một “cơn ác mộng” đối với giới đầu tư dầu lửa toàn cầu

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang chứng tỏ là một "cơn ác mộng" đối với giới đầu tư dầu lửa toàn cầu.

Nhu cầu tiêu thụ dầu - một chỉ báo quan trọng của tăng trưởng kinh tế - đã suy yếu nhiều từ đầu năm đến nay do thương chiến leo thang khiến nền kinh tế thế giới giảm tốc.

Dầu bị bán tháo

Trong một báo cáo công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cắt giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2019 và 2020, đồng thời cảnh báo thêm rằng triển vọng nhu cầu tiêu thụ "vàng đen" đang rất mong manh.

"Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy kinh tế giảm tốc", trang CNN Business dẫn báo cáo của IEA.

Giá các loại hàng hóa cơ bản như dầu thô có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu. Trong những giai đoạn kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, nhu cầu đối với các mặt hàng từ dầu thô tới đồng và quặng sắt đều ở mức cao.

Theo IEA, trông 5 tháng đầu năm nay, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng trưởng với tốc độ yếu nhất kể từ năm 2008. Thậm chí, trong tháng 5, nhu cầu còn giảm so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng giảm thứ hai trong năm 2019.

Nỗi lo về cầu đã dẫn tới một làn sóng bán tháo dầu gần đây, khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang lên ngưỡng mới.

Hôm 1/8, Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ áp thuế quan 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 1/9. Trung Quốc đáp trả bằng cách tuyên bố dừng nhập khẩu nông sản Mỹ và mạnh tay hạ tỷ giá Nhân dân tê. Tiếp đó, Mỹ chính thức gọi Trung Quốc là nước thao túng tỷ giá. Hôm thứ Sáu, ông Trump phát tín hiệu rằng vòng đàm phán thương mại dự kiến diễn ra vào tháng 9 ở Washington có thể bị hủy.

Trong tuần trước, giá dầu Brent tại thị trường London - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) do đã giảm 20% kể từ mức đỉnh gần nhất thiết lập vào tháng 4. Giá dầu WTI tại thị trường New York cũng đã ở trong "địa hạt" của thị trường đầu cơ giá xuống.

"Giá dầu bị nhấn chìm bởi sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và hàng hóa cơ bản nói chung, do mối lo về thương chiến, tình trạng sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, và dự báo u ám về nhu cầu tiêu thụ dầu", báo cáo của IEA viết.

Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch gần dây dự báo kế hoạch áp thuế quan mới nhất của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc có thể khiến nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm 500.000 thùng/ngày.

Cầu thiếu, cung thừa

Giá dầu giảm có thể là tin tốt đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, giúp giải tỏa bớt nỗi lo về sức ép tăng trưởng kinh tế từ thương chiến và biến động trên thị trường tài chính. Giá bán lẻ xăng trung bình toàn quốc ở Mỹ vào thời điểm thứ Sáu tuần trước là 2,67 USD/gallon, so với mức 2,87 USD gallon cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của AAA.

Tuy nhiên, sự sụt giảm của giá xăng dầu cũng là một dấu hiệu đáng ngại về nền kinh tế toàn cầu.

"Tình hình đang ngày càng trở nên bấp bênh hơn", báo cáo của IEA viết.

Trong tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2019 và 2020, cảnh báo những hệ quả tai hại mà thương chiến có thể gây ra cho nền kinh tế thế giới.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại về khả năng của Trung Quốc trong việc chống đỡ những "đòn" thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, IEA đã nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc, một phần do hoạt động lọc dầu gia tăng ở nước này.

Song song với đó, IEA cảnh báo về sự yếu đi của nhu cầu tiêu thụ dầu ở Ấn Độ và Mỹ. Thống kê ban đầu cho thấy nhu cầu xăng ở Mỹ giảm trong tháng 6 và tháng 7, ngay vào thời điểm bắt đầu mùa lái xe cao điểm hàng năm.

Cũng theo báo cáo của IEA, nhu cầu dầu tại các nước phát triển đã giảm 3 quý liên tiếp, điều chưa từng xảy ra từ năm 2014.

Để chống chọi với sự sụt giảm của giá dầu, liên minh OPEC+ giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga đã hạn chế sản lượng khai thác dầu từ đầu năm đến nay. Theo kế hoạch, thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối năm 2019 nếu không được gia hạn thêm.

Trong đó, Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC, là nước hạn chế sản lượng tích cực nhất, thậm chí khai thác dầu ở mức ít hơn hạn ngạch cho phép.

Mặc dù vậy, sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục lập kỷ lục mới nhờ cuộc cách mạng dầu đá phiến ở nước này. IEA dự báo sản lượng dầu ngoài OPEC sẽ tăng rất mạnh trong năm tới.

"Theo dự báo hiện tại của chúng tôi, trong năm 2020, nguồn cung dầu trên thị trường sẽ rất dồi dào", báo cáo viết.