Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho ý kiến về luật đặc khu
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) đã được điều chỉnh thời gian thông qua từ kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018) sang kỳ họp sau của Quốc hội
Theo dự kiến chương trình phiên họp tháng 8/2018 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được đặt lên bàn nghị sự.
Được dư luận đặc biệt quan tâm, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) đã được điều chỉnh thời gian thông qua từ kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018) sang kỳ họp sau của Quốc hội.
Quyết định này, theo tài liệu tiếp xúc cử tri sau kỳ họp là "để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, hoàn thiện dự thảo luật cho thật sự chất lượng".
Tài liệu này cũng hồi âm một số vấn đề liên quan đến dự thảo luật được cử tri quan tâm, như việc thành lập đặc khu hiện nay có lỗi thời không, lý do lựa chọn xây dựng 3 đặc khu là gì...
Theo đó, tài liệu nêu rõ, gần đây các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn tiếp tục thành lập thêm các đặc khu hoặc hoàn thiện các thể chế, chính sách áp dụng cho các đặc khu hiện có như Trung Quốc thành lập đặc khu kinh tế Tiền Hải (2013), Hùng An (2017) và bổ sung chính sách đặc khu kinh tế Hải Nam (tháng 5/2018). Một số nước khác như Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản... năm 2015 vẫn tiến hành các công việc trên.
"Vẫn có nhiều nước trên thế giới đang tiếp tục xây dựng các đặc khu kinh tế để phát triển thí điểm thế chế", theo khẳng định tại tài liệu.
Vẫn trả lời câu hỏi việc thành lập đặc khu có lỗi thời không, tài liệu tiếp xúc cử tri thông tin, xu thế phát triển của các đặc khu trên thế giới là hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đơn giản thủ tục hành chính, giải quyết nhanh gọn yêu cầu của nhà đầu tư, người dân theo cơ chỗ "một cửa, tại chỗ", trực tuyến trên mạng và tập trung thu hút các ngành công nghệ cao của các nước phát triển, nhất là phương Tây, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc ... và có giá trị gia tăng cao. Như công nghệ cao 4.0, công nghiệp sáng tạo, dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistics, y tế, giáo dục chất lượng cao.
"Dự thảo luật cũng xác định ba đặc khu phát triển theo mô hình này (trong đặc khu có khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, khu thương mại tự do và các khu chức năng khác) và trọng tâm ưu tiên phát triển các ngành nghề có giá trị gia tăng cao theo xu hướng phát triển của thế giới nêu trên", tài liệu cho biết.
Về lý do lựa chọn xây dựng ba đặc khu, thông tin từ tài liệu nói trên là, ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc nằm trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp huyện và có diện tích không lớn (chiếm 0,55% diện tích đất liền của cả nước) nhưng có vị trí kết nối giao thông khu vực và quốc tế thuận lợi.
Ba nơi này cũng có khả năng phát triển thành trung tâm trung chuyển hàng hoá, khách quốc tế, có khả năng thu hút các dự án áp dụng khoa học công nghệ 4.0 đầu tư quy mô lớn, có khả năng tác động lan toả đến khu vực xung quanh.
Tài liệu này khẳng định, để đảm bảo chủ quyền, quyền và lợi ích của phía Việt Nam, dự thảo luật quy định chặt chẽ việc áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế và việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài không được gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng theo quy định của luật và không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam và đặc biệt là chủ quyền quốc gia của Việt Nam.
Khẳng định việc xây dựng các đặc khu tại Việt Nam là để thí điểm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tài liệu trên nêu rõ, thành lập các đặc khu tác động tích cực trên nhiều mặt.
Như tăng trưởng kinh tế cao hơn, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người, thu hút đầu tư nước ngoài với công nghệ cao... nhằm đan xen lợi ích, góp phần bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, góp phần phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.