Tiềm năng cho sản phẩm dầu gạo Việt Nam
Ngành công nghiệp dầu gạo đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn...
Tại Hội nghị Dầu gạo Quốc tế 2018 tổ chức ở Việt Nam vừa qua, hơn 200 chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia đã khẳng định ngành công nghiệp dầu gạo Việt đang đứng trước nhiều cơ hội lớn...
Đó là những lợi thế đến từ người tiêu dùng khi xu hướng chuộng thực phẩm có lợi cho sức khỏe đang tăng cao. Bên cạnh đó, ngành dầu gạo còn non trẻ, thị trường rộng mở và lợi thế sở hữu vùng nguyên liệu lúa gạo dồi dào để sản xuất dầu gạo nguyên chất, tuy nhiên ngành này lại đang gặp khó trong khâu tiếp thị.
Thị trường đầy tiềm năng
Dầu gạo chứa hàng loạt dưỡng chất chống oxy hóa trong cám gạo như Gamma - Oryzanol, vitamin E và 27 loại phytosterols có khả năng phòng ngừa bệnh tim mạch cùng hơn 60 loại bệnh khác. Tại Nhật Bản, quốc gia sống thọ nhất nhì trên thế giới nhờ chế độ ăn uống lành mạnh từ lâu đã gọi dầu gạo là "dầu của trái tim".
Ở Mỹ, New Zealand, Australia..., dầu gạo được mệnh danh là một trong những loại dầu ăn tốt nhất cho sức khỏe và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Tim mạch Mỹ (AHA)… khuyên dùng
Tại Việt Nam, tăng trưởng GDP liên tục nằm trong những quốc gia nhanh nhất thế giới từ sau những năm 1990 đã góp phần thay đổi đáng kể chất lượng cuộc sống và nâng cao thói quen tiêu dùng của người dân. Trước đây người dân quen sử dụng mỡ động vật thì nay đã chuyển sang sử dụng dầu thực vật, trong đó có dầu gạo nhằm hạn chế các vấn đề mỡ máu, béo phì, tim mạch,...
Hiện nay mỗi năm toàn cầu mới chỉ sản xuất 1,7 triệu tấn dầu gạo. Ấn Độ là một trong những quốc gia sản xuất nhiều nhất cũng ở khoảng 1 triệu tấn mỗi năm. Nhật Bản dùng dầu gạo hàng thập kỷ nay và mỗi năm tiêu thụ 90.000 tấn, trong đó có gần 30.000 tấn nhập khẩu. Trung Quốc cũng phải vừa sản xuất vừa thu mua dầu gạo từ các nước khác trong khu vực để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Tiến sĩ Yuanrong Jiang - Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Wilmar Global R&D Center đánh giá thị trường dầu gạo mới chỉ chiếm 1,18% thị phần ở Trung Quốc, 3% ở Nhật Bản và 4% ở Ấn Độ.
Ở Việt Nam, dầu gạo hiện đứng thứ 3 danh sách dầu thực vật phổ biến trong căn bếp mọi gia đình. Tuy nhiên, lượng dầu gạo tiêu thụ trong nước năm 2017 cũng chỉ đạt 7.700 tấn, cách xa top trên gồm dầu cọ là 730.000 tấn và dầu đậu nành là 222.000 tấn.
Như vậy, cơ hội cho dầu gạo Việt chen chân vào thị trường quốc tế cũng như chinh phục thị trường trong nước đang rất lớn.
Ông B.V Mehta - Chủ tịch Hiệp hội Chiết tách dung môi Ấn Độ, nhận định: "Là quốc gia xuất khẩu lúa gạo lớn của thế giới Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành dầu gạo. Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới Việt Nam sẽ được lọt vào top các nước sản xuất chính về dầu gạo".
Với sản lượng gạo xuất khẩu gần 6 triệu tấn mỗi năm, Việt Nam có tiềm năng to lớn trong sản xuất dầu gạo. Hiện tại, Việt Nam đã có nhà máy trích ly dầu gạo ở đồng bằng sông Cửu Long của Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (CALOFIC). Đây là vựa lúa lớn nhất cả nước do đó CALOFIC có thể thu mua trực tiếp nguồn cám gạo tươi dồi dào và đảm bảo từ nông dân.
CALOFIC còn đầu tư dây chuyền tinh chế dầu gạo hiện đại bậc nhất thế giới của hãng DeSmet Ballestra (Bỉ) nên dầu gạo Việt Nam được đánh giá có chất lượng tương đương dầu gạo sản xuất ở các quốc gia phát triển, đáp ứng hệ tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu sang các thị trường quốc tế khó tính như New Zealand, Australia,...
Những thách thức
Theo ông Trần Anh Dũng - Giám đốc nhãn hiệu Công ty CALOFIC, hơn 80% sản lượng dầu gạo trong nước đang được xuất khẩu cho các nước phát triển, chỉ 20% được tiêu thụ nội địa. Trong khi thế giới đã khá quen thuộc với dầu gạo thì ngay tại Việt Nam – quê hương lúa gạo, nhận thức của người tiêu dùng về công dụng của dầu gạo còn hạn chế.
Nguyên nhân được ông Dũng chỉ ra là để sản xuất 1 ít dầu gạo phải cần đến 150- 200kg lúa. Công nghệ tinh chế dầu gạo phức tạp hơn cả dầu ôliu, đòi hỏi phải tinh luyện cám trong vòng tối đa 6h sau khi tách khỏi hạt gạo nhằm giữ được hàm lượng Gamma-Oryzanol cao nhất... Các yếu tố này khiến dầu có giá cao hơn 10% đến 20% so với các loại dầu cọ, dầu đậu nành.
Ngoài ra, rào cản khác là công tác tiếp thị công dụng của dầu gạo vẫn chưa tiếp cận được đông đảo người tiêu dùng nên sản lượng tiêu thị trong nước chưa cao.
"Yếu tố cảm quan cũng khiến người tiêu dùng Việt Nam chưa thực sự "mở lòng" với dầu gạo, đó là người dùng có xu hướng chọn các loại dầu vàng nhạt, trong khi dầu gạo nguyên chất có màu sắc sánh sẫm do màu đặc trưng của lớp vỏ cám. Màu sắc càng sánh sẫm thì càng chứa nhiều Gamma-Oryzanol tốt cho sức khỏe", ông Dũng đánh giá.
Ông Dũng cho biết thêm, sắp tới CALOFIC sẽ đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị trên quy mô lớn để nhiều người biến đến ích lợi và có cơ hội dùng sản phẩm dầu gạo nguyên chất thương hiệu Simply của CALOFIC. Kênh phân phối cũng được mở rộng để người tiêu dùng dễ dàng tìm mua...