09:22 01/11/2019

Tiến độ ì ạch, đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi cần đến 81.537 tỷ

Nguyên Vũ

Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi), giai đoạn I

Chính phủ cho biết, dự án đã được bố trí và giải ngân từ năm 2009 đến nay là 842 tỷ đồng để thực hiện công tác thiết kế kỹ thuật (từ năm 2009 đến năm 2014)
Chính phủ cho biết, dự án đã được bố trí và giải ngân từ năm 2009 đến nay là 842 tỷ đồng để thực hiện công tác thiết kế kỹ thuật (từ năm 2009 đến năm 2014)

Đến nay, ước tính tổng mức đầu tư toàn tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) khoảng 81.537 tỷ đồng mới đảm bảo mục tiêu.

Chính phủ cho biết thông tin trên tại báo cáo về tình hình thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi), giai đoạn I vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Được phê duyệt từ 2008, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh của dự án giai đoạn 1 là 19.046 tỷ đồng (tương đương 95,35 tỷ Yên). Trong đó, vốn vay ODA là 72,410 tỷ Yên, vốn đối ứng là 4.582 tỷ đồng.

Chính phủ cho biết, dự án đã được bố trí và giải ngân từ năm 2009 đến nay là 842 tỷ đồng để thực hiện công tác thiết kế kỹ thuật (từ năm 2009 đến năm 2014). Hiện nay, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 được bố trí 2.500 tỷ đồng.

Nguồn vốn đối ứng đã được bố trí và giải ngân từ năm 2009 đến nay là 1.320,7 tỷ đồng để thực hiện các công tác như: giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước, chi phí khác,... và đã giải ngân được 1.004,7 tỷ đồng. Hiện nay, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 được bố trí 1.512 tỷ đồng.

Về tiến độ, theo báo cáo thì đến nay chưa triển khai thi công được gói thầu nào ngoài hiện trường. Như vậy, theo quyết định phê duyệt ban đầu, dự án phải hoàn thành vào năm 2017. Nay, chỉ xét riêng cho giai đoạn I điều chỉnh (Khu tổ hợp Ngọc Hồi) dự kiến đến năm 2024 hoàn thành, trong khi đó công tác giải phóng mặt bằng đã được thực hiện từ năm 2012 nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn thành do nguồn vốn đối ứng bố trí hàng năm không đáp ứng được so với nhu cầu, Chính phủ trình bày khó khăn.

Đáng chú ý là khả năng cân đối nguồn lực của toàn dự án, theo báo cáo thì đến nay, ước tính tổng mức đầu tư toàn tuyến khoảng 81.537 tỷ đồng mới đảm bảo mục tiêu.

Theo báo cáo thì Chính phủ đang xem xét, có ý kiến về chủ trương thực hiện cũng như thủ tục điều chỉnh tổng thể chung dự án để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.