Tiền lương đóng bảo hiểm khu vực Nhà nước cao hơn khối doanh nghiệp gần 10%
Trong năm 2023, tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thuộc khu vực công đạt gần 7 triệu đồng, song ở khối doanh nghiệp chỉ đạt hơn 6,3 triệu đồng, chênh lệch gần 10%...
Làm rõ về cơ cấu tiền lương làm căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tại thời điểm cuối năm 2023, tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thuộc nhóm hành chính, sự nghiệp, Đảng Đoàn thể là 6,936 triệu đồng.
Trong khi đó, của người lao động thuộc khối doanh nghiệp, hợp tác xã là 6,382 triệu đồng, chênh lệch khoảng 9%.
Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã có báo cáo tác động của chính sách tiền lương mới đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có tác động đến tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Theo thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội, tính đến tháng 12/2023, đang có hơn 2,7 triệu cán bộ, công chức, viên chức (kể cả cán bộ, công chức cấp xã, không bao gồm khối lực lượng vũ trang) đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trong đó, có khoảng 80% là người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, tương ứng trên 2,2 triệu người, 20% là người hưởng lương tại các đơn vị tự chủ một phần, toàn bộ, tương ứng 555.591 người.
Hiện tiền lương bình quân tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở khu vực này là 6,936 triệu đồng/tháng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự kiến, với mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bình quân tăng thêm khoảng 54,89%, và tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội là 25%, thì số tiền thu tăng thêm trong 1 năm là 31.728 tỷ đồng.
Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm tháng 12/2023 có 88.137 người. Tiền lương bình quân tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của nhóm này là 1,8 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, do chưa có thông tin điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, nên chưa dự kiến được mức đóng bảo hiểm xã hội tăng thêm đối với nhóm này.
Không chỉ tác động đến mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng với việc thực hiện chế độ tiền lương mới còn tác động đến việc xác định mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động.
Trong đó, đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, từ ngày 1/7/2024 trở đi được hưởng mức tiền lương mới (do cải cách tiền lương) cao hơn mức lương theo hệ số.
Như vậy, người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo mức tiền lương sau cải cách càng dài, thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng tăng tương ứng, và cao bất thường so với người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024.
Điều này dẫn đến vấn đề chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu trước, và sau thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới.
Với phương án điều chỉnh lương hưu hàng năm, để đảm bảo lương hưu của người lao động nghỉ hưu trước “đuổi kịp” người nghỉ hưu sau ngày 1/7/2024, sẽ ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ hưu trí, tử tuất.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề xuất, trong thời gian từ ngày cải cách chính sách tiền lương, đến trước ngày dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, cần có Nghị định hướng dẫn thực hiện việc tính mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần từ ngày 1/7/2024 trở đi.
Việc này nhằm để không gián đoạn trong việc giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội đối với người lao động, đảm bảo quyền lợi người hưởng kịp thời.