Tiền lương thực tế ở Nhật ngày càng giảm, BOJ khó tăng thêm lãi suất?
Theo số liệu được Bộ Lao động Nhật Bản công bố ngày 8/4, thu nhập tiền mặt thực tế của người lao động nước này trong tháng 2 giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước...
Tiền lương thực tế ở Nhật Bản trong tháng 2 năm nay giảm tháng thứ 23 liên tiếp do giá tiêu dùng tăng tốc. Điều này gây trở ngại đối với chi tiêu của các hộ gia đình ở nước này và có thể khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trì hoãn tiến hành đợt tăng lãi suất tiếp theo sau khi chấm dứt lãi suất âm vào tháng 3 vừa rồi.
Theo số liệu được Bộ Lao động Nhật Bản công bố ngày 8/4, thu nhập tiền mặt thực tế của người lao động nước này trong tháng 2 giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này sâu hơn so với mức giảm của tháng 1 nhưng nông hơn so với mức dự báo giảm 1,4% mà giới chuyên gia đưa ra trước đó. Tiền lương danh nghĩa tăng 1,8%, phù hợp với dự báo.
Tiền lương thực tế ở Nhật giảm trong bối cảnh lạm phát giá tiêu dùng ở nước này tăng. Trong tháng 2, giá tiêu dùng ở Nhật tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Trong năm tài khoá trước, người lao động ở Nhật được hưởng mức tăng lương lớn nhất trong 3 thập kỷ, nhưng vẫn không đủ để bù lạm phát. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, lạm phát ở Nhật đã duy trì trên mức mục tiêu 2% của BOJ. Bởi vậy, trong năm 2023, tháng nào các hộ gia đình ở nước này cũng cắt giảm chi tiêu.
Quan điểm của BOJ là động lực tiền lương-lạm phát sẽ có sự dịch chuyển, và đó là một nhân tố chủ chốt phía sau quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm mà cơ quan này đưa ra vào hôm 19/3. Theo liên minh công đoàn lớn nhất Nhật Bản, cuộc đàm phán tiền lương năm nay ở nước này mang lại kết quả là mức tăng lương hơn 5% trong tài khoá 2024, mức tăng mạnh nhất trong hơn 30 năm. Tốc độ tăng lương như vậy sẽ đảm bảo vượt tốc độ lạm phát - theo dự báo sẽ giảm tốc về mức 2,3% trong năm nay.
Trao đổi với hãng tin Bloomberg, nhà kinh tế Kota Suzuki thuộc công ty chứng khoán Daiwa Securities dự báo tăng trưởng tiền lương thực ở Nhật Bản sẽ trở lại trạng thái dương vào giữa năm nay, khi mức tăng lương mạnh theo kết quả cuộc đàm phán tiền lương hàng năm bắt đầu được thực thi và lạm phát giảm tốc.
Nhà kinh tế Taro Kimura của công ty nghiên cứu kinh tế Bloomberg Economics cũng đưa ra quan điểm tương tự: “Hy vọng về thời gian tới là việc tăng lương theo thoả thuận trong cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiền lương trong tài khoá bắt đầu vào tháng 4. Chúng tôi dự báo BOJ sẽ tiếp tục bình thường hoá chính sách tiền tệ bằng cách tăng nhẹ lãi suất trong nửa sau của năm nay”.
Trả lời phỏng vấn truyền thông Nhật Bản gần đây, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda nói cơ quan này chấm dứt chương trình nới lỏng tiền tệ quy mô lớn vì mức độ chắc chắn trong việc đạt được một vòng xoáy trong đó tiền lương tăng dẫn tới lạm phát do cầu kéo đã tăng lên mức 75%. Ông Ueda nói thêm rằng khả năng duy trì được lạm phát ở ngưỡng mục tiêu của BOJ sẽ tăng đều đặn từ mùa hè đến hết mùa thu năm nay. Hiện tại, BOJ vẫn lo ngại rằng việc tăng lãi suất quá nhanh có thể khiến lạm phát sụt trở lại dưới mục tiêu 2%.
Trong cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong tháng 4 này, BOJ sẽ cập nhật dự báo về lạm phát.
Dân số lão hoá và suy giảm của Nhật Bản khiến nước này rơi vào tình trạng thiếu lao động kinh niên, buộc các công ty phải cạnh tranh để giành giật nguồn nhân lực ngày càng khan hiếm. Hơn một nửa trong số công ty Nhật được ngân hàng dữ liệu Teikoku khảo sát cho biết bị thiếu lao động dài hạn, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2028. Cũng theo Teikoku, trong năm tài khoá vừa rồi, số công ty Nhật rơi vào cảnh phá sản do thiếu lao động đã tăng gấp đôi lên 313 công ty.
Trong khi đó, triển vọng giá cả ở Nhật vẫn còn nhiều bấp bênh. Theo dự báo, kế hoạch của Chính phủ Nhật nhằm chấp dứt trợ cấp giá điện nước vào cuối tháng 5 tới sẽ đẩy giá cả ở nước này tăng cao hơn trong mùa hè. Một yếu tố gây lạm phát là đồng yên. Tỷ giá đồng yên đang dao động ở vùng thấp nhất 34 năm, gây áp lực tăng giá hàng hoá thành phẩm và nguyên vật liệu thô nhập khẩu.
“Nếu tăng trưởng tiền lương thực tế chuyển sang trạng thái dương, BOJ sẽ dễ hành động hơn”, ông Suzuki của Daiwa Securities nhấn mạnh.