Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: "Chúng ta đã lột xác một nửa rồi thì nên lột xác tiếp"
Bộ máy hành chính công vụ phải được tuyển chọn từ những người tài giỏi và có chuyên môn thông qua thi cử như ở các nước Đông Bắc Á
Trước sự có mặt nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế và Việt Nam, nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu quan điểm về nhiều vấn đề trong tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 sáng 19/9 tại Hà Nội.
Vấn đề thứ nhất, theo TS.Nguyễn Sĩ Dũng, từ năm 1986 Việt Nam đã cải cách nhiều, có lẽ về mặt chính trị Việt Nam cải cách nhiều hơn cả Trung Quốc. Hiến pháp Việt Nam quy định Lập pháp giao Quốc hội, Hành pháp giao Chính phủ Tư pháp giao Toà án, và đã nói trong Hiến pháp là cơ quan quyền lực nhà nước phải kiểm soát lẫn nhau. Đó là hệ chuẩn rất là mới nhưng về cơ bản chúng ta vẫn nằm trong hệ chuẩn Xô Viết.
"Tình trạng con nhộng lột xác có một nửa giống chúng ta. Hệ luỵ của một bộ máy mà hai hệ chuẩn rất lớn: Quy trình ban hành quyết định khó khăn tố kém, lãng phí nguồn lực, chế độ trách nhiệm khó xác lập, tranh chấp giữa các thiết chế.
Vấn đề đặt ra là chọn một hệ chuẩn. Theo tôi chọn một hệ chuẩn và vận hành phát triển bộ máy theo hệ chuẩn đó. Nhưng chúng ta đã lột xác một nửa rồi thì nên lột xác tiếp hơn là đắp lại lớp vỏ cũ", Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Vấn đề thứ hai, từ năm 1986, chúng ta bỏ mô hình kế hoạch hoá tập trung. Tuy nhiên, mô hình cần lựa chọn để vận hành nền kinh tế là mô hình nào? Là mô hình nhà nước điều chỉnh hay mô hình nhà nước kiến tạo phát triển? Giai đoạn cuối chúng ta nói đến nhiều mô hình nhà nước kiến tạo phát triển như mô hình của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, của Trung Quốc bây giờ nhưng lại hành xử theo mô hình nhà nước điều chỉnh.
Ông Dũng cho rằng nếu theo mô hình điều chỉnh thì chúng ta sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vì văn hoá Việt Nam khác. Còn chúng ta chọn mô hình kiến tạo phát triển sẽ phù hợp hơn, bởi đây là mô hình chuyển tiếp, vai trò của nhà nước trong hoạch định chính sách công nghiệp quan trọng. Trung Quốc phát triển như vũ bão cũng vì theo mô hình kiến tạo phát triển.
"Tôi kiến nghị theo mô hình nhà nước kiến tạo, phát triển theo Nhật Bản hay Hàn Quốc. Văn hoá Đông Bắc Á là nền tảng để mô hình kiến tạo phát triển thành công mà Việt Nam là một trong những quốc gia có văn hoá Đông Bắc Á", nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nếu quan điểm.
Vấn đề thứ ba là lẫn lộn hành pháp chính trị và hành chính công vụ. Giữa cơ quan điều hành và hoạch định chính sách bị lẫn lộn. Bộ trưởng được gọi là Tư lệnh tức là người điều hành, không phải người hoạch định chính sách.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh: Đây là sự lẫn lộn giữa chính khách và nhân viên hành chính công vụ. Do lẫn lộn nên không ai chuyên nghiệp cả, một bộ trưởng đứng ra điều hành công việc thì làm sao tốt bằng một người học chuyên môn ra điều hành? Chúng ta chính trị hoá toàn bộ bộ máy mà trong đó có hành chính công vụ trong khi các kỹ năng chính trị đâu có cần để thực hiện công vụ. Anh phải giỏi chuyên môn nghiệp vụ chứ. Bộ máy hành chính công vụ phải được tuyển chọn từ những người tài giỏi và có chuyên môn thông qua thi cử như ở các nước Đông Bắc Á.
Vấn đề cuối cùng theo vị Tiến sĩ, Hiến pháp nói rằng phải phân quyền cho các cấp chính quyền trung ương địa phương nhưng người tổ chức chính quyền địa phương cơ bản bản giống Xô Viết, chồng chéo như con búp bê Nga, không rõ cấp nào làm cái gì. Cháy nhà may Rạng đông cấp nào phản ứng?
"Tôi nghĩ rằng phải phân quyền địa phương để địa phương xác lập để tránh lãng phí như trường hợp một địa phương muốn xin dự án phải chạy lên trung ương. Xin ký duyệt 10 dự án thì may được đồng ý 1-2 dự án đầu tư công. Phân quyền cho địa phương để ưu tiên địa phương xác lập, thủ tục ngắn gọn hơn, đất nước phát triển", ông Dũng nói.