Tiếp đà bán tháo ở Phố Wall, chứng khoán châu Á lao dốc mạnh
Các chỉ số chứng khoán ở khu vực châu Á đồng loạt giảm điểm mạnh trong phiên sáng ngày thứ Ba
Các chỉ số chứng khoán ở khu vực châu Á đồng loạt giảm điểm mạnh trong phiên sáng ngày thứ Ba, nối tiếp đà giảm chóng mặt trong phiên ngày thứ Hai tại thị trường Mỹ - khi Dow Jones mất hơn 1.100 điểm và S&P 500 sụt mạnh nhất 6 năm.
Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật lúc gần 10h trưa nay theo giờ Việt Nam giảm gần 5,3%, còn chỉ số Topix mất xấp xỉ 5%. Giá của tất cả các nhóm cổ phiếu tại thị trường Nhật cùng bị nhuộm đỏ, mà dẫn đầu sự giảm điểm của thị trường là cổ phiếu các công ty ô tô, tài chính và công nghệ.
Trong đó, cổ phiếu hãng xe lớn nhất Nhật Bản Toyota có thời điểm hạ gần 4%. Cổ phiếu công nghệ SoftBank sụt 5%, cổ phiếu Fanuc Manufacturing lao dốc gần 5,4%, cổ phiếu nhà bán lẻ Fast Retailing "bốc hơi" gần 5,2%.
Tại thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi có thời điểm giảm hơn 3%. Cổ phiếu các hãng công nghệ lớn của xứ kim chi như Samsung Electronics hay SK Hynix đều giảm xấp xỉ 2% vào đầu phiên giao dịch. Cổ phiếu hãng xe Hyundai lúc đầu tăng nhẹ, nhưng sau đó không thoát khỏi làn sóng giảm điểm của thị trường, mất hơn 0,6%.
Mức giảm điểm phiên sáng 6/2 của một số thị trường chứng khoán tại châu Á. Từ trái qua: thị trường Hồng Kông, Thượng Hải, Tokyo, Australia, Hàn Quốc, Đài Loan, và Malaysia. Đơn vị: % - Nguồn: Bloomberg.
Chỉ số S&P/ASX 200 của chứng khoán Australia trượt hơn 3%, với hầu như tất cả các nhóm cổ phiếu ngành cùng đi xuống. Tuy nhiên, giảm mạnh nhất trong phiên sáng tại thị trường này là nhóm cổ phiếu năng lượng với mức giảm hơn 4,2%. Nhóm cổ phiếu tài chính cũng giảm mạnh, trong đó cổ phiếu ANZ và Westpac cùng sụt hơn 3%.
Tại thị trường Hồng Kông, Hang Seng mất ngay 3,2% điểm số vào đầu phiên. Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite của sàn Thượng Hải sụt trên 1,5%, còn chỉ số chính của sàn Thẩm Quyến mất gần 1,8%.
Sau phiên giảm điểm mạnh vào ngày thứ Sáu tuần trước, chứng khoán Mỹ càng giảm điểm mạnh hơn trong phiên ngày thứ Hai, khi các nhà đầu tư rút vốn mạnh khỏi thị trường vì lo ngại lãi suất sắp tăng nhanh.
Nỗi lo này khiến Dow Jones mất 4,6%, S&P 500 giảm 4,1%, và Nasdaq sụt 3,78% trong phiên giao dịch đầu tuần.
Theo hãng tin Reuters, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 2,8% trong phiên sáng thứ Ba, chạm mức thấp nhất 1 tháng, sau khi giảm 1,6% trong ngày thứ Hai. Đây có thể sẽ là ngày giảm mạnh nhất của chỉ số này trong vòng 1 năm rưỡi.
Trao đổi với Reuters, ông Yoshinori Shigemi, chiến lược gia thị trường thuộc JPMorgan Asset Management, nói rằng triển vọng lạm phát tăng sẽ dần xói mòn sức hấp dẫn của cổ phiếu, cho dù thị trường đến lúc sẽ hồi phục trong ngắn hạn.
"FED sẽ phải tăng lãi suất. Và nếu FED không nâng lãi suất, thì trái phiếu với kỳ hạn dài cũng sẽ bị bán ra vì nỗi lo lạm phát. Dù thế nào thì kinh tế cũng sẽ chịu tác động bất lợi. Tiền lương tăng lên cũng đồng nghĩa với lợi nhuận các công ty sẽ giảm", ông Shigemi nói.
Trái với sự lao dốc của cổ phiếu, giá trái phiếu kho bạc Mỹ đang tăng mạnh do nhu cầu tìm kiếm "vịnh tránh bão". Giá tăng khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sáng thứ Ba giảm còn hơn 2,7%, từ mức gần 2,9% vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Hai.
Trên thị trường ngoại hối, đồng USD đang vững giá nhờ triển vọng đà tăng lãi suất sẽ được đẩy nhanh. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD sáng nay dao động quanh mức 89,61 điểm.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đang giảm do đồng USD mạnh lên. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường Mỹ sáng nay có lúc giảm 1%, còn 63,51 USD/thùng. Giá dầu Brent tại London có thời điểm giảm 0,92%, còn 67 USD/thùng.