09:39 17/01/2019

Hãy lắng nghe bộ máy tiêu hóa!

Hoài Phương

Thời gian gần đây, bộ máy tiêu hóa ngày càng được giới y khoa chú ý hơn. Bộ phận cơ thể này được ví như một "bộ não thứ hai".


Bộ máy tiêu hóa có số lượng tế bào thần kinh tương đương với hệ tủy sống. Trạng thái khỏe mạnh hay đau ốm có liên hệ nhiều với chuyện ăn uống là điều hầu như ai cũng biết. Tuy nhiên, bộ máy tiêu hóa không chỉ đơn giản là một phương tiện thẩm lọc những gì ta đưa vào bụng. Ngay cả khi y học đã có rất nhiều tiến bộ, bộ máy tiêu hóa vẫn còn chứa đựng rất nhiều bí ẩn.Ít ai ngờ đường tiêu hóa của chúng ta trở chứng nhiều lúc lại vì một số lý do rất thông thường. Không ít bệnh nhân gõ cửa thầy thuốc vì rối loạn tiêu hóa dưới dạng đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, nhất là đói run nhưng vừa ăn ít miếng đã no ngang. Bệnh không nặng đến độ gọi xe cấp cứu nhưng cứ rề rề nay đau mai yếu làm giảm chất lượng cuộc sống. Khổ không chỉ cho bệnh nhân mà còn kẹt cho thầy thuốc vì thường khi siêu âm, nội soi, xét nghiệm thì không tìm ra nguyên nhân.
Hãy lắng nghe bộ máy tiêu hóa! - Ảnh 1.
Vì thế, các bác sỹ khuyên bạn nên chú ý tới một số lý do rất thông thường. Chẳng hạn: tuy bạn làm đúng theo những lời khuyên dinh dưỡng nhưng lại thực hiện quá nhanh, ví dụ đổi từ gạo trắng sang gạo lức, sang nếp… cái rụp! Tương tự như thế là trường hợp của người trước đó mạnh miệng với thực phẩm công nghệ bỗng chuyển sang khẩu phần với nhiều rau quả tươi.Một số bệnh nhân khác tuy thông hiểu tính chất hữu ích của chất xơ trong rau quả, mễ cốc nhưng dùng quá liều khiến bội tăng hiện tượng đầy hơi trong khung ruột. Một số người khác thường có khẩu phần quá nhiều tinh bột nên vô tình tiếp tay cho phản ứng lên men của lực lượng vi sinh có hại luôn sống chực chờ trên nền ruột.Với những người hay bị đầy hơi, hãy tự hỏi bản thân liệu có phải bạn đã quá mạnh miệng với các món ngọt theo kiểu ăn vặt suốt ngày mà không ngờ là đường ủ đến lên men rồi thành rượu ngay trong lòng ruột? Hoặc bạn có thói quen ăn quá nhiều rau cải tươi trong bữa cơm chiều trong khi lá gan theo đúng nhịp sinh học lại giảm hoạt động sau 19 giờ. Hậu quả, các loại hơi có hại cho sức khỏe dễ tích lũy trong lòng ruột...
Hãy lắng nghe bộ máy tiêu hóa! - Ảnh 2.
Còn nếu bạn… không thiết ăn uống? Trường hợp này có hai khả năng. Chỉ là chán ăn sinh lý nếu cơ thể không thấy có gì khác thường, chi có sự thay đổi mạnh mẽ về tình cảm như lo buồn, hoảng sợ quá mức ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương điều khiển về ăn uống.Nếu bạn mắc chứng chán ăn bệnh lý, sẽ thấy các biểu hiện sau:- Bỗng nhiên không muốn ăn, miệng nhạt vô vị, ngạt mũi, chảy nước mũi, rêu lưỡi trắng, phần nhiều do cảm cúm gây nên.
- Thường xuyên không muốn ăn, đại tiện lỏng, số lần tăng lên nhiều, ngửi mùi thức ăn nhất là thức ăn có nhiều mỡ thì thấy ngán và bị tiêu chảy ngay, đó là do cơ năng của dạ dày và ruột giảm.- Miệng nhạt nhẽo, ăn uống sút kém, chứng tỏ có bí đại tiện theo thói quen. Đó là do khi bí đại tiện, vi khuẩn đường ruột chết thối, sinh ra nhiều chất có hại, ảnh hưởng đến chức năng của gan và trung khu thực vật gây nên.Ngoài ra, không thiết ăn uống có thể do bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh thận, bệnh tim, các bệnh ác tính. Trong một số trường hợp, chán ăn ở người cao tuổi và trẻ em thường là triệu chứng báo trước, khởi đầu của một bệnh nặng, cần đề phòng, chú ý theo dõi.
Hãy lắng nghe bộ máy tiêu hóa! - Ảnh 3.
Cuối cùng, các bác sĩ đưa ra lời khuyên: uống trà suốt ngày mà không ngờ lượng trà quá cao là lý do khiến thất thoát khoáng tố kali. Hậu quả là nhu động của khung ruột trở nên "ù lỳ" nên bạn không nuốt hơi mà vẫn đầy bụng, không ăn nhiều mà vẫn khó tiêu…Vì thế, đối với việc ăn uống bạn nên chú ý tới từng khía cạnh nhỏ nhất, bởi bất cứ điều gì cũng có thể làm hại đến hệ tiêu hóa của bạn. Khi chưa chắc chắn cơ thể sẽ thích ứng ra sao, hãy thay đổi các thói quen của bạn một cách từ từ, chậm rãi, đồng thời lắng nghe những "phản hồi" của hệ tiêu hóa.