09:53 21/07/2019

Về Hải Dương vãn cảnh đền Cao An Phụ

Tường Bách

Cách TP. Hải Dương khoảng 40km về phía Đông Bắc, có một ngôi đền thiêng đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, nhưng chưa được nhiều người biết tới.


Đó là quần thể di tích Đền Cao An Phụ, tọa lạc trên đỉnh núi An Phụ với chiều dài 17 km, cao 246m, thờ An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ của Đức Thánh Trần Hưng Đạo.Sau những trận mưa đầu mùa hạ, tiết trời trong sáng càng làm cho dải đồng bằng xanh mướt của lúa ngô có thêm sức sống bội phần. Từ Côn Sơn nhìn về phía đông Bắc, dãy núi An Phụ như gần lại, cao lên, kéo từ tây sang đông như một bức tường thành kỳ vĩ, ngăn cách miền núi và đồng bằng.Phía Đông Bắc nhìn về dãy Yên Tử sừng sững, phía Tây Bắc là Động Kính Chủ được mệnh danh là "Nam Thiên đệ lục động" có dòng sông Kinh Thầy uốn lượn sát chân núi, phía Tây Nam là miền châu thổ mênh mông. Nơi đây phong thủy hữu tình, là một cảnh đẹp đáng du ngoạn. Trên dãy núi huyền bí ấy, nổi lên một đỉnh cao như chiếc nón chóp khổng lồ, đó là đỉnh An Phụ, cao 246m.
Về Hải Dương vãn cảnh đền Cao An Phụ - Ảnh 1.
Về Hải Dương vãn cảnh đền Cao An Phụ - Ảnh 2.
Núi An Phụ là dãy núi đất pha sa thạch và sỏi kết, thoai thoải dễ leo, có thể lên từ bất cứ hướng nào. Phía đông có bốn khe nhỏ: Khe Gạo, Khe Tài, Khe Đá, Khe Lim. Trước kia rừng có nhiều gỗ quý như Lim, Tùng, Bách… Chân núi và thung lũng là những cây rừng, sườn núi có sim xen lẫn lối mòn.Đỉnh núi An Phụ chia làm hai ngọn nhỏ, ngọn phía Nam có đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu, tục gọi là Đền Cao, Đền được xây dựng vào thời nhà Trần. Với các công trình và dấu tích như: Đền chính, Nghi Môn Ngoại, Nghi Môn Nội, chùa Tường Vân- xung quanh còn các cây cổ thụ 600 – 700 năm tuổi… Đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc tiền nhất hậu đinh, gồm có tiền tế, trung từ và hậu cung. Hậu cung có thờ tượng Trần Liễu và 2 cháu nội Đệ Nhất Vương Cô và Đệ Nhị Vương Cô là 2 con gái của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nổi tiếng linh thiêng.
Về Hải Dương vãn cảnh đền Cao An Phụ - Ảnh 3.
Về Hải Dương vãn cảnh đền Cao An Phụ - Ảnh 4.
Khoảng giữa hai đỉnh núi là chùa Tường Vân cổ kính, tục gọi là chùa Cao. Đến thời Hoàng Định (1600-1619) triều đình trích công quỹ giao cho sư Nam Nhạc Phụ tu bổ và liên tiếp trong các thế kỷ sau, chùa không ngừng được trùng tu, tạo nên cảnh "Đào Nguyên". Bên dưới trước chùa còn một giếng thiêng, gọi là giếng Ngọc, quanh năm ăm ắp nước, trong vắt.
Về Hải Dương vãn cảnh đền Cao An Phụ - Ảnh 5.
Về Hải Dương vãn cảnh đền Cao An Phụ - Ảnh 6.
Một điểm tham quan không thể bỏ qua tại di tích này là tượng Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tọa lạc trên một ngọn núi thuộc dãy An Phụ có độ cao 200m so với mực nước biển, thấp hơn Đền Cao An Sinh Vương chừng 50m. ượng Đức Thánh Trần được tạc bằng đá xanh núi Nhồi Thanh Hóa, cao 9,7m. Bức tượng thể hiện một vị tướng văn võ song toàn, chân dung quắc thước nhưng nhân hậu. Bên cạnh bức tượng Trần Hưng Đạo là bức phù điêu bằng đất nung dài 45m, cao 2,5m do các nghệ nhân Long Xuyên – Bình Giang – Hải Dương thực hiện. Đây là bức phù điêu bằng đất nung lớn nhất nước ta, tái hiện lịch sử 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của quân dân nhà Trần.
Về Hải Dương vãn cảnh đền Cao An Phụ - Ảnh 7.
Về Hải Dương vãn cảnh đền Cao An Phụ - Ảnh 8.
Từ đỉnh An Phụ nhìn về phía nam, dưới chân núi là các xã An Phụ, Thượng Quận ...những làng quê yên ả, đồng ruộng trù phú, cây trái xanh tươi và sông Kinh Thầy đỏ nặng phù sa, uốn lượn như dải lụa hồng đang lặng trồi bồi đắp cho vùng duyên hải... Từ An Phụ nhìn về phía tây nam là miền châu thổ bát ngát, sóng lúa nhấp nhô, sông ngòi uốn lượn nối tiếp nhau, đan xen làng xóm, trang trại xanh tươi, tạo nên bức tranh màu rực rỡ.Một lần đến với đền Cao An Phụ, hoà đồng vào những sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, du khách càng hiểu thêm sức mạnh của truyền thống đất nước con người, của văn hoá tâm linh vốn không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Việt.