18:20 12/07/2018

Khổ qua, đắng nhưng mát lòng mát dạ

Băng Hảo

Những ngày mùa hạ, thành phố nóng hầm hập, quay cuồng những vòng xe. Có những ngày, chúng ta mệt tới nỗi chẳng nuốt nổi miếng cơm, ngỡ mình phải bỏ cuộc.


Một ngày, sau cơn mưa ngập đường ngập phố, anh bạn mới quen dẫn về nhà chơi. Bà má miền Nam cười hiền hậu: "Trời mưa mà hai đứa bọn bay vẫn mồ hôi mồ kê nhìn đến cực. Vô trong ăn bát canh khổ qua cho mát đi con!"
Khổ qua, đắng nhưng mát lòng mát dạ - Ảnh 1.
Bà má lấy ra cái bát tô và múc chia mỗi người 2, 3 mẩu khổ qua dồn thịt với vài muỗng nước. Lần đầu tiên, anh ăn canh như một món khai vị. Đắng. Chỉ muốn nhổ ra. Nhưng khi đã qua họng thì tất cả mọi sự chán chường dường như tiêu tan. Vị ngọt hậu dịu dàng, mùi thơm man mát, cái béo ngầy ngậy của thịt mỡ như đã được "thanh lọc", trở nên rất mềm mại.Và tuyệt nhất là nước dùng. Ngọt lừ, hơi pha vị đắng thoảng qua như một chút trêu chọc, ấm nóng đến tỉnh người mà ăn xong lại mát lòng mát dạ. Vừa phe phẩy quạt, bà má miền Nam vừa bỏm bẻm: " Ăn khổ qua cho mau qua khổ. Chỉ một tí đắng thôi là hết ngay. Đúng là khổ qua chớ không phải là khổ lâu!"
Khổ qua, đắng nhưng mát lòng mát dạ - Ảnh 2.
Màu xanh đậm của trái khổ qua như những cánh hoa run rẩy viền quanh nhân thịt trắng hồng, những khúc hành lá loáng thoáng xanh trong bát nước dùng trong veo, nóng hổi. Ăn mãi đâm nghiện mất rồi, biết phân biệt luôn loại khổ qua gai nhỏ, màu xanh đậm, là loại khổ qua ăn vào là đắng ngay đầu lưỡi, đắng ghê gớm. Còn loại khổ qua miền Bắc, vẫn hay gọi là mướp đắng, trái mập, ngắn, màu xanh lá non, thì nhiều nước hơn và cũng ít đắng hơn.
Khổ qua, đắng nhưng mát lòng mát dạ - Ảnh 3.
Trong chiếc bát tô trắng, những khúc khổ qua như một bông hoa mùa hạ, nhìn đã thấy rung động. Nếu nấu ít nước và đậm một chút thì có thể thành món ăn chính, nếu khổ qua cắt khúc ngắn và hầm trong nồi nhiều nước dùng thì có thể thành canh, mà lúc giữa buổi cũng có thể múc một tô ngồi ăn chơi vậy. Món ngon, mà lại dễ làm. Chút đắng để thương… "Khổ qua xanh khổ qua đắng/ Khổ qua mất nắng khổ qua đèo/Thương nhau dầu khổ dầu nghèo cũng thương…"