17:18 15/01/2019

Những đóa mai vàng mùa nước nổi

Băng Hảo

Chỉ là thứ cây dại nhưng từ xa xưa, người ta đã nghĩ ra các món ăn từ bông điên điển cực ngon, cực bổ.


Mùa nước nổi ở miền Tây được báo hiệu khi sắc vàng tươi của bông điên điển tràn ngập cánh đồng hay dọc theo những triền đê. Để rồi sau một đêm thức giấc, các cánh đồng ở miệt Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ... nước đã ngập trắng. Đó cũng là lúc người dân bắt đầu chuẩn bị công cụ cho một mùa mưu sinh, những chiếc lưới cá, những con thuyền ba lá, theo người dân len lỏi qua các dòng sông, con lạch, để rồi kéo lên từng mẻ cá nặng trịch, lấp lánh ánh bạc.Theo đông y, bông, lá của cây điên điển có vị ngọt, đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, an thần, nhuận trường, lợi tiểu. Thường dùng trong các trường hợp cảm sốt do phong nhiệt, mụn nhọt, táo bón, mất ngủ, ăn uống kém. Theo kinh nghiệm dân gian ở đồng bằng sông Cửu Long, người ta dùng bông điên điển làm thuốc bổ tim như sau:dùng bông điên điển bỏ cuốn, chưng cánh thủy với đường phèn, mỗi ngày ăn 100 - 200g. Ăn liên tục trong nhiều ngày.Cây điên điển thường trổ bông liên tục để có thể hái đều đặn mỗi ngày cho đến hết mùa nước. Hái bông điên điển phải thong thả, không được vội vàng, phải nhẹ nhàng để không làm dập bông hay khiến cây gẫy ngã. Với nét văn hóa ẩm thực đặc sắc, người dân lao động miền Tây thường ăn cơm với món bông điên điển làm dưa chua. Bông điên điển làm dưa chấm với cá kho, tôm kho, thịt kho thì ngon vô cùng. Vừa chua, vừa mặn, hơi nhẫn đắng, ngon lạ, ăn rất bắt cơm, không có gì so sánh bằng.
Những đóa mai vàng mùa nước nổi - Ảnh 1.
Gỏi bông điên điển là một món ăn hết sức đặc sắc, có sức gây thương nhớ cho bất kỳ ai thưởng thức món ăn này. Người ta thường trộn bông điên điển với giấm đường hoặc nước me cùng với các loại rau củ khác như cà chua, dưa leo, rau thơm... Nhấn nhá thêm vị ngọt cho đĩa gỏi có thể là tép ram, tôm luộc, giò chả hoặc thịt ba chỉ vừa nạc vừa mỡ.Cái giòn của bông điên điển, vị ngọt của thịt heo và những con tôm, thêm các loại rau thơm là ta đã có một món ăn đặc sản của người miền Tây.Bông điên điển còn dùng để ăn sống như ta ăn rau ghém, rau thơm, rất ngon, hấp dẫn. Bông điên điển ăn sống không phải là loại vớt dưới nước như loại làm dưa chua, mà phải tươi, hái từ trên cây. Ngoài ra món bông điên điển tươi còn được dùng để xào tôm, xào tép hoặc nấu canh chua, cho ta bữa cơm ngon, đầy hương vị đồng quê. Vào mùa nước nổi, các gánh bánh xèo cũng dùng món bông điên điển để chiêu dụ khách hàng. Ăn bánh xèo với bông điên điển ngon đến nỗi no hồi nào mà ta không hay, không biết!
Những đóa mai vàng mùa nước nổi - Ảnh 2.
Mùa bông điên điển là mùa nước nổi cũng là mùa cá linh. Con cá linh trời cho, mùa này theo con nước đổ về nhiều vô kể. Chọn con cá linh vừa phải, cỡ bằng ngón tay, nấu một lẩu nước me chua, nêm nếm vừa chua, vừa cay, vừa ngọt. Khi nồi lẩu đã sôi ùng ục, nêm nếm cho vừa ăn thì dùng muỗng múc từng muỗng cá linh cho vào. Khi cá chín bốc mùi thơm ngát khiến ai cũng phát thèm.Trên bàn bày sẵn một thau bông điên điển vàng tươi, tha hồ bạn nhúng lẩu... Bông điên điển chọn loại còn tươi, chưa bung cánh, khi ăn vừa giòn giòn vừa có hương thơm. Nước dùng ninh bằng xương heo, xương cá để lấy vị ngọt hoặc thêm nước dừa tươi để tăng vị thanh mát. Khi ăn, ta sẽ cảm nhận ngọt thơm thịt cá, đăng đắng của hoa điên điển, bùi bùi so đũa, sần sật rau nhút, mềm lưỡi kèo nèo… Gắp con cá linh, chấm nước mắm trong loại ngon, cắn thêm trái ớt cay... đó là món ngon tổ tiên thời khai hoang, truyền lại cho ta.
Những đóa mai vàng mùa nước nổi - Ảnh 3.
Và cứ thế, mỗi mùa nước lên, cùng với con cá linh quẫy đuôi nhộn nhạo dưới lòng sông, dọc theo dòng sông Bình Di là một màu vàng dịu ngọt của miên man bông điên điển. loài hoa được mệnh danh là "mai vàng mùa nước nổi" này không chỉ trở thành dấu hiệu nhận biết mùa lũ, mà còn là một phần kỷ niệm trong đời sống tinh thần của rất nhiều người con lớn lên trên vùng đất phù sa.