09:48 02/02/2019

Tết về, nhớ bếp củi của mẹ

Lưu Hà

Nhớ bếp củi là nhớ cảnh hì hụi nhen nhen nhóm nhóm, cúi xuống chu miệng thổi thổi để nhóm lửa. Nhớ bếp củi là nhớ những ngày kiếm được củ khoai củ sắn, vùi sâu trong bếp mà nướng, khi lôi ra còn nóng hôi hổi...


Khoái nhất là khi lửa đã cháy phừng phừng, ngồi sát vào ngọn lửa, xoa xoa hai bàn tay cho ấm. Tàn lửa bắn như pháo hoa và củi đang cháy nổ lách tách như reo. Má chị, má em hồng như cà chua chín. Nhìn bóng mẹ in vào bức tường phên lặng im như nét vẽ mà suy nghĩ miên man. Cái lạnh căm căm ngập ngừng dừng ngoài cửa bếp.Nhớ bếp củi là nhớ bà, nhớ mẹ, nhớ những kho tàng thơ và chuyện cổ tích. Nghe chuyện cổ tích bên bếp củi đang bập bùng cháy thú vị không thể nào tả nổi. Lũ trẻ con mỗi đứa ôm một bên đầu gối mẹ, mắt nhìn vào vách bếp. Ở đó có những cái bóng đang nhảy nhót. Bóng bố mẹ, bóng con, bóng cái thúng đựng trấu, cái thùng đựng gạo, cái đòn gánh dựng bên đống củi... Những cái bóng trên vách bếp là cả một thế giới thần tiên khác lạ trong lời mẹ kể.
Tết về, nhớ bếp củi của mẹ - Ảnh 1.
Vài ngày giáp tết, bếp lửa nhà nào nhà nấy của người dân Việt đều ấm áp nồi bánh chưng xanh. Trong kí ức tuổi thơ tôi, vẫn luôn nghĩ về những cái Tết đặc biệt với những đêm trông bánh, thả những chiếc bánh con con tự tay gói vào chờ tới lúc nào bánh chín mới toan đi ngủ, không biết đến cuộc sống bộn bề. Những chiếc bánh bé xíu trẻ thơ là những niềm vui gói lại, là cả những đợi chờ một cái Tết đoàn viên ấm áp.Mẹ gói bánh xong, một bếp lửa "cỡ đại" được nhen lên. Lửa đun bánh được lấy ra từ bếp nhà thường ngày vẫn nấu, nay chuyển sang bếp mới như là 1 sự tiếp lửa 1 năm cho 1đêm cuối cùng đầy ý nghĩa. Nhưng hòn than đặt trên bẹ mo cau khô cháy rào rạo bởi cơn gió đông đậm lạnh ùa qua cửa. Củi trong bếp cũng bắt đầu rực sáng. Bởi củi để đun là thứ củi gộc chắc, nhiều than. Những thanh củi khô được lựa chọn từ lâu, mẹ để dành cho luộc bánh chưng ngày Tết.
Và thế là mùi Tết bắt đầu lan toả. Đó là mùi hăng hắc cay cay của khói khói bếp, củi cháy. Là mùi của nồi nước sôi lục bục cứ tan trong không gian, bám chặt vào người. Mỗi khi người lớn mở nồi, mùi bánh qua lớp lá dong tỏa ngào ngạt… Mùi Tết chúng tôi nâng niu cầm trên tay, khi mẹ chia cho mỗi đứa một chiếc bánh chưng nho nhỏ xinh xinh, được xâu bằng chiếc lạt dài…Mẹ bảo: "Chỉ mấy cành củi khô nhặt trong vườn là đủ làm nên cái Tết. Không có củi sao luộc được bánh chưng, sao nấu được nồi xôi… cho ra xôi!" Ừ, mà đúng là như vậy! Xôi nấu bằng bếp ga, bằng nồi cơm điện... ăn thấy khác lắm. Nấu bằng bếp củi, xôi chín đều, mùi thơm hơn và đặc biệt là lớp xôi dưới đáy nồi cháy đều mà giòn rụm... Để rồi lũ trẻ con chan miếng nước thịt kho ăn ngon tê đầu lưỡi, ăn miếng này rồi lại muốn ăn tiếp thêm miếng nữa, ăn cho đến no nê mà miệng vẫn cứ muốn ăn thêm.
Tết về, nhớ bếp củi của mẹ - Ảnh 2.
Ở thành phố không có bếp củi. Nấu cơm, cứ nhìn ngọn lửa xanh lét của bếp gas mà tự nhiên thấy lạnh lẽo quá chừng. Lắm lúc mơ hồ nghe tiếng gió mùa đông ngoài cửa, thấy thèm mùi khoai nướng và một bếp củi rực rỡ những tàn lửa bắn pháo hoa. Thèm nắm tay bố, tay mẹ, tay em để thấy hơi ấm tỏa, không từ bếp lửa mà từ những tiếng cười. Để thấy ánh lửa trong mắt bố, trong mắt mẹ lung linh, lung linh...