14:08 21/11/2019

Ăn 3 bữa mỗi ngày giúp cải thiện bệnh tiểu đường?

Hoài Phương

Các nhà nghiên cứu Israel đã tìm ra phương pháp mới điều trị bệnh tiểu đường, trong đó giảm đáng kể lượng insulin cần phải tiêm vào cơ thể bệnh nhân.


Theo đó, 3 bữa ăn cân bằng mỗi ngày vào những thời điểm cố định có thể giúp giảm đáng kể nồng độ insulin cần phải bổ sung hằng ngày cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 chỉ trong 3 tháng.Ai cũng biết chế độ ăn uống đóng một phần rất lớn trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường loại 1 và giảm thiểu sự khởi phát của bệnh tiểu đường loại 2. Chế độ ăn mới nhất, có hiệu quả ở bệnh nhân tiểu đường là chế độ ăn "keto", gồm nhiều thực phẩm giàu chất béo, đạm vừa phải và rất ít carbohydrate. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chế độ ăn này có thể có tác dụng tốt trong việc cải thiện tình trạng bệnh tiểu đường và giúp ổn định đường huyết.
Ăn 3 bữa mỗi ngày giúp cải thiện bệnh tiểu đường? - Ảnh 1.
Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Diabetes Care ngày 14/11, các nhà khoa học thuộc Đại học Do Thái Jerusalem (HUJI) và Trung tâm Y tế Wolfson nhận thấy các bệnh nhân tiểu đường có thể được điều trị với chế độ ăn chỉ 3 bữa/ngày, thay vì 6 bữa/ngày theo khuyến nghị hiện nay.Phương pháp điều trị mới dẫn đến giảm cân nặng của bệnh nhân, đặc biệt là giảm cảm giác thèm ăn, liều lượng insulin phải bổ sung hằng ngày và nồng độ hemoglobin A1C trong máu.Xét nghiệm hemoglobin A1C là để giúp kiểm tra lượng đường trong các tế bào hồng cầu để chẩn đoán bệnh tiểu đường. Trong một thử nghiệm kéo dài 12 tuần trên 28 bệnh nhân tiểu đường bị thừa cân, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng phương pháp điều trị cung cấp 3 bữa ăn/ngày giúp giảm trọng lượng cơ thể trung bình 5kg và 1,2% nồng độ hemoglobin A1C.Ngoài ra, nồng độ glucose ở những bệnh nhân này thấp hơn nhiều sau 12 tuần dẫn đến giảm tổng liều insulin ở mức khoảng 26 đơn vị. Ở những bệnh nhân này đã giảm cảm giác đói và thèm ăn đồ ngọt và béo. Kết quả tương tự không được quan sát thấy ở nhóm bệnh nhân được cung cấp 6 bữa ăn/ngày.
Ăn 3 bữa mỗi ngày giúp cải thiện bệnh tiểu đường? - Ảnh 2.
Không có một quy định đơn lẻ nào vềnguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường mà phù hợp với tất cả. Vì vậy, một chế độ dinh dưỡng hợp lý nên được sử dụng phù hợp với tình trạng bệnh lý, mục tiêu điều trị, kết quả mong muốn, sở thích và thói quen ăn uống thông thường của mỗi người. Các hướng dẫn về dinh dưỡng nhấn mạnh đến kiểm soát chỉ số đường huyết, giảm nguy cơ bệnh tim mạch, giảm lipid, cholesterol máu và thực hiện kiểm soát cân nặng với sự phối hợp của chất đường, chất đạm và chất béo riêng cho từng bệnh nhân.
Cũng theo nghiên cứu trên, bữa tối của bệnh nhân tiểu đường cần ăn trước 20h và tối đa 2 giờ trước khi đi ngủ. Sau 23h, đồng hồ sinh học của cơ thể sẽ chuyển sang trạng thái khác. Cơ thể giảm tốc độ chuyển hóa và tập trung nhiều hơn vào các chức năng quan trọng khác như tiêu hóa thức ăn, nghỉ ngơi, nạp năng lượng tái tạo cơ thể.Các bệnh nhân nên sắp xếp thời gian các bữa ăn hàng ngày sao cho phù hợp và những ngày sau đó cũng phải ăn đúng thời điểm như vậy, thời gian dao động không quá 15 phút. Khi đó cơ thể sẽ truyền tín hiệu đến các cơ quan sẵn sàng tiêu hóa thức ăn và điều tiết insulin giúp chuyển hóa đường. Nhờ vậy không gây tăng đường huyết đột ngột, rối loạn chuyển hóa đường. Thời gian ruột hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất là từ 7 - 9h sáng, cần ăn sáng đúng giờ để có sức khỏe tốt.Bệnh tiểu đường là một loại bệnh trao đổi chất toàn cơ thể với tỉ lệ phát bệnh cao trên toàn cầu. Người bệnh do bị tiểu đường mà dẫn đến các biến chứng như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, mắt mù, chức năng thận bị suy giảm... có tỷ lệ rất lớn. Theo các nghiên cứu, khoảng 80% bệnh nhân đái tháo đường có kèm theo tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, rối loạn đông máu… và có tới 70% các bệnh nhân tiểu đường sẽ bị tử vong do các biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não).
Ăn 3 bữa mỗi ngày giúp cải thiện bệnh tiểu đường? - Ảnh 3.
Theo thống kê, bệnh tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ 7 trên thế giới, chủ yếu do các biến chứng như đau tim, đột quỵ, suy thận, mù lòa và nhiều rủi ro khác. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trên thế giới hiện có hơn 420 triệu người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường, dự báo đến năm 2045, con số này có thể sẽ tăng lên 629 triệu người.

(Theo Health24)