14:18 05/12/2019

Dị ứng da mùa lạnh: nhiều thuốc không nên bôi thường xuyên

Hoài Phương

Những ngày này, miền Bắc đang trong những ngày mùa đông khô hanh, giá lạnh, khiến cho làn da chúng ta bị khô, nứt nẻ và ngứa.


Trời lạnh khiến chúng ta thích việc sưởi ấm, tắm nước nóng, mặc áo quần bó sát… khiến cho làn da đã khô lại càng khô hơn.Nhìn dưới góc độ y học, bình thường da tiết ra những chất hữu cơ như axít organic cùng với mồ hôi. Các axít hữu cơ có tác dụng giữ cho da nhờn, mềm mại, đàn hồi bền bỉ, chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, bụi bẩn... Khi thời tiết khô lạnh, da chúng ta ít tiết mồ hôi và các axít hữu cơ, thêm vào đó khi chúng ta sưởi ấm, hoặc mắc một số bệnh như dị ứng, suy tuyến giáp, viêm da, làm cho độ ẩm của da đã ít lại bốc hơi nhanh nên da bị khô và nứt nẻ sinh ngứa.Triệu chứng của viêm da dị ứng cho trời lạnh gồm có nốt sần, vết giống ban đỏ và mụn nước, mụn nước có thể kết tụ lại tạo thành mảng; nhiều tổn thương do nhiễm khuẩn và trầy da, thể hiện thành rỉ nước và đóng vảy. Mặc dù vị trí có thể xảy ra bất cứ nơi nào, nhưng nó xuất hiện thường xuyên nhất trên bàn tay và bàn chân, ở mặt trước của của khuỷu, phía sau đầu gối, và trên mắt cá chân, cổ tay, mặt, cổ và ngực. Viêm da dị ứng cũng có thể ảnh hưởng đến da quanh mắt, bao gồm cả mí mắt.
Dị ứng da mùa lạnh: nhiều thuốc không nên bôi thường xuyên - Ảnh 1.
Để phòng ngừa viêm da dị ứng, điều đầu tiên bạn cần làm là thường xuyên dọn nhà, lau nhà, dọn dẹp giường chiếu để diệt lông sâu bọ và phấn hoa. Nếu nhà có nhiều cây xanh cần chú ý chu kỳ ra hoa để đóng cửa sổ kịp thời để kiểm soát chất gây dị ứng. Bên cạnh đó, cần tăng cường uống nước, ăn hoa quả, rau xanh để cung cấp đủ vitamin, tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế sử dụng chất kích thích. Tránh một số gia vị như ớt cay, hạt tiêu... cũng là một biện pháp phòng và cải thiện được bệnh.Đối với người có làn da mẫn cảm với thời tiết, nhiệt độ, không nên tắm nước quá nóng. Sau khi tắm hay rửa mặt xong, có thể bôi các chế phẩm làm ẩm, mềm da như physiogel, cetaphil, vitamin E... Các loại kem chứa vaselin, glyceryl, saccharid isomerate, lanolin, mineral oil... có cấu trúc ngậm nước và giữ ẩm cho da, tránh tình trạng khô da nứt nẻ. Các loại kem chứa các thành phần như dầu jojoba, vitamin E, dầu hướng dương, milk protein... thường được dùng như một sản phẩm dưỡng da chống lão hóa và giữ ẩm cho da nhằm ngăn chặn các triệu chứng như khô ráp, nhăn. Nên bắt đầu bôi kem ngay từ khi mới đầu vào mùa hanh có thể hạn chế tái phát bệnh.
Dị ứng da mùa lạnh: nhiều thuốc không nên bôi thường xuyên - Ảnh 2.
Khi trời lạnh, nhu cầu nước cho cơ thể vẫn rất cao, do vậy vẫn phải uống nước đều đặn. Vào những ngày độ ẩm cao, trời hanh khô cần uống nhiều nước hơn. Ngày 2 -3 lần lấy khăn ẩm ủ lên mặt chừng 2 phút để da bớt bị khô và căng. Nên dùng dưa chuột, cà chua, củ đậu rửa sạch, thái lát đắp mặt nạ trước khi đi ngủ. Khi đi ra ngoài trời nên đeo khẩu trang để hạn chế da bị tiếp xúc với ánh nắng, khói bụi.Người nội trợ cần đeo găng tay khi rửa bát và giặt quần áo để tránh tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa. Nếu dùng máy điều hòa 2 chiều, cần dùng quạt phun hơi nước hoặc để vài chậu nước trong phòng tránh cho không khí quá khô nóng dễ gây viêm da.Người tiêu dùng tuyệt đối không bôi các thuốc có chứa steroid như trangala, cortebios, chlorocid H, flucinar, fobancort, gentrisone, diprosone... Đây là các thuốc điều trị bệnh lý ở da, không có tác dụng chữa nẻ. Dùng kéo dài các thuốc này sẽ gây nên nhiều hậu quả xấu như nổi mụn trứng cá, da mặt sần sùi, teo da...
Dị ứng da mùa lạnh: nhiều thuốc không nên bôi thường xuyên - Ảnh 3.
Có tình trạng nhiều người còn dùng thuốc mỡ tetracyclin tra mắt để chữa trị tình trang da khô nẻ, mẩn ngứa. Việc này rất sai lầm do mỡ tetracyclin là thuốc kháng sinh dạng bôi để điều trị tình trạng viêm, không có tác dụng chữa da bị khô nẻ, rất hạn chế dùng trên da mặt.