08:25 14/11/2018

Tín dụng đen nhức nhối nhưng khó xử lý hình sự

Hà Vũ

Hầu hết các nhóm tội phạm liên quan đến tín dụng đen khi bị phát hiện không xử lý được, nếu không có hành vi cưỡng đoạt tài sản hoặc bắt giữ người trái pháp luật

Đại biểu Phạm Huyền Ngọc lo ngại về tín dụng đen
Đại biểu Phạm Huyền Ngọc lo ngại về tín dụng đen

Nhiều người mất nhà, mất đất, khốn cùng vì tín dụng đen, có cô giáo phải viết thư đề "kính gửi mấy anh xã hội đen" xin được yên ổn để đi dạy vì liên tục bị khủng bố do khoản nợ vay của chị dâu.

Thực tế trên được đại biểu Phạm Huyền Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận đề cập trong phiên thảo luận chiều 13/11 của Quốc hội.

Tín dụng đen với những hệ lụy nhức nhối cũng là quan tâm của nhiều đại biểu khác.

Theo đại biểu Ngọc, hiện nay 3 loại tội phạm đang có mối liên hệ làm phức tạp về trật tự xã hội, gây bất an cho nhân dân là xã hội đen, tín dụng đen, cờ bạc.

Vị đại biểu Ninh Thuận nhấn mạnh, hoạt động tín dụng đen có từ Bắc vào Nam, từ Tây Nguyên xuống đồng bằng sông Cửu Long, ở đâu cũng có tờ rơi quảng cáo cho vay không cần thế chấp với lãi suất 2-30%, thậm chí 40% tháng. Mỗi món vay không quá 50 triệu đồng, được thỏa thuận lãi suất bằng miệng, không ghi vào giấy tờ hoặc biến tướng các khoản vay lớn bằng cách cho vay tiền mặt, nhưng ghi trong giấy tờ là thuê lại tài sản của chính mình như nhà, xe để đối phó với những quy định của pháp luật.

Giám đốc công an Ninh Thuận phân tích, điều 201 Bộ luật Hình sự quy định cho vay lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất của Bộ luật Dân sự và mức thu lợi bất chính từ 30-100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Như vậy, vay 50 triệu đồng lãi suất 20%/tháng trả 2 tháng cả gốc và lãi 70 triệu đồng vẫn chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, trong khi chưa có quy định xử lý hành chính về hành vi này. 

Vì vậy, hầu hết các nhóm tội phạm khi bị phát hiện không xử lý được, nếu không có hành vi cưỡng đoạt tài sản hoặc bắt giữ người trái pháp luật. Do đó, nhiều người mất nhà, mất đất, khốn cùng vì tín dụng đen, ông Ngọc nhấn mạnh và nêu ví dụ nói trên để minh chứng.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận xét thời gian gần đây, tín dụng đen nổi lên như là một vấn đề xã hội lớn, len lỏi vào mọi ngõ ngách, nhất là ở các thành phố lớn, các địa phương phát triển, những địa bàn đông công nhân và sinh viên. 

Ông Hiểu cho biết, nhân viên của các cơ sở tín dụng đen tìm đủ cách tiếp cận công nhân lao động và sinh viên, nhất là những người đang gặp khó khăn. Công đoàn các cấp đã quan tâm tuyên truyền nhưng nhiều công nhân vì gặp khó khăn đột xuất như con cái ốm đau, cần tiền cho con ăn học, đến ngày phải trả tiền thuê nhà hay về quê giải quyết việc riêng vẫn phải chấp nhận vay dù biết rằng lãi suất rất cao, hầu hết đều trên dưới 200%/năm.

Hậu quả, theo lời đại biểu là lãi mẹ đẻ lãi con, người công nhân vốn đã khó khăn nay lại khốn khó bởi nợ nần chồng chất, nhiều công nhân phải bỏ việc, chuyển nhà đi nơi khác hoặc không dám đến nơi làm việc do bị đòi nợ. Không ít người bị hăm dọa, đánh đập, bắt giữ, có những gia đình tan nát vì tín dụng đen. 

Bản thân các cơ sở tín dụng đen do tranh giành ảnh hưởng thị phần nên đã xảy ra nhiều vụ ẩu đả thanh toán, tín dụng đen cũng là mảnh đất dung dưỡng những đối tượng tiền án, tiền sự nay tiếp tục dấn thân vào con đường tội phạm.

"Tín dụng đen đang bủa vây công nhân và sinh viên, đang công khai thách thức với chính quyền, gây bất an cho xã hội. Rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở", ông Hiểu nói.

Từ phân tích trên, đại biểu Hiểu đề nghị lực lượng công an và quản lý thị trường phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các đợt truy quét tấn công tín dụng đen, sớm đưa ra xử lý một số vụ điển hình với hình phạt nghiêm khắc để răn đe và phòng ngừa chung.

Ông Hiểu cũng cho rằng các tổ chức tín dụng hợp pháp của nhà nước cần chủ động, tích cực tiếp cận công nhân lao động và sinh viên với các thủ tục cho vay thuận lợi, nhanh gọn, giúp công nhân và sinh viên khi có nhu cầu thì được tiếp cận tiền, tài chính với mức lãi suất phù hợp với điều kiện thực tế vào cuộc sống của họ.