11:23 04/01/2018

Tín dụng tiêu dùng: Nhiều rủi ro vẫn bỏ ngỏ

Nguyễn Hoài

Một lãnh đạo cấp vụ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến 31/12/2017, tỷ lệ này khoảng 18,06%

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, tín dụng tiêu dùng vẫn là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và chiến lược của các tổ chức tín dụng và dự báo tăng trưởng cao.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, tín dụng tiêu dùng vẫn là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và chiến lược của các tổ chức tín dụng và dự báo tăng trưởng cao.

Dù tăng trưởng tín dụng thấp xa với mục tiêu điều chỉnh khoảng 2% nhưng theo giới phân tích, đó là tín hiệu đáng mừng vì Ngân hàng Nhà nước không chạy theo chỉ tiêu. Tuy nhiên, mảng tín dụng tiêu dùng đang phát đi những tín hiệu thiếu kiểm soát chặt chẽ.

Mừng vì tín dụng tăng thấp?

Tỷ lệ trên có phần tương đồng với tỷ lệ từ 18,7% - 19,3% do ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia công bố tại hội thảo "Tổng quan thị trường tài chính 2017" ngày 26/12/2017.

Theo ông Phước, năm 2017, thị phần tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 51,8%; 41,3% dành cho khối ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước và phần còn lại là của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Xét về cơ cấu kỳ hạn, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn có xu hướng giảm sau khi tăng liên tục trong giai đoạn 2013- 2016. Tín dụng trung dài hạn chiếm 53,7% tổng tín dụng (năm 2016 là 55,1%). Điều này cho thấy, tình hình phát hành các công cụ nợ dài hạn của các doanh nghiệp bắt đầu khởi sắc. 

Phân theo ngành nghề, tín dụng đối với các ngành công nghiệp, thương mại và hoạt động dịch vụ khác chiếm tỷ trọng 78,4%, tăng 21,8%; trong khi tỷ lệ này của 2016 là 77,8%. Ngoài ra, tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp tăng khoảng 18,7% (chiếm tỷ trọng khoảng 8,11% tổng tín dụng).

Đáng chú ý, trong dư nợ cho vay hoạt động dịch vụ khác, cho vay đối với ngành hoạt động làm thuê, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình có mức tăng trưởng mạnh nhất và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu tín dụng theo ngành nghề, tỷ trọng tăng từ 8,8% (năm 2012) lên khoảng 16,1% năm 2017.

Cùng đó, tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm nhẹ, mức tăng đạt 12,2% so với năm 2016, chiếm 15,8% tổng tín dụng (năm 2016 là 17,1%). Trong đó, vào lĩnh vực xây dựng khoảng 9,9%, vào hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5,9%.

Lo tín dụng tiêu dùng

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, kể từ 2015 đến hết 2017, tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh.

Phân tích cơ cấu trong loại hình tổ chức cho vay thì thị phần tín dụng tiêu dùng của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tăng mạnh, từ 39% toàn ngành năm 2016 lên 45,7% cuối năm 2017; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 42,4%, giảm nhẹ từ mức 47% cuối năm 2016; nhóm công ty tài chính và cho thuê tài chính chiếm 7,6% (năm 2016 là 9,3%), còn lại là nhóm ngân hàng nước ngoài.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, tín dụng tiêu dùng vẫn là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và chiến lược của các tổ chức tín dụng và dự báo tăng trưởng cao.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành (Giám đốc phát triển, Trường đại học Fulbright Việt Nam) phát biểu hôm 26/12 tại hội thảo "Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2017", trong thời gian tới, xu thế tăng trưởng tín dụng tiêu dùng là đúng quy luật. Vấn đề ở đây là làm thế nào để các ngân hàng có đủ năng lực kiểm soát rủi ro ở lĩnh vực này theo đúng sự chuyển dịch của nền kinh tế.

Đồng quan điểm này, ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nói: "Đang có hiện tượng các ngân hàng đua nhau mua các công ty tài chính, sau đó cơ cấu lại thành công ty tài chính tiêu dùng và đẩy toàn bộ mảng này ra cho các công ty con. Nhờ đó, ngân hàng tránh tiếng cho vay nới lỏng, trong khi không bị các rào cản về chuẩn mực an toàn kiểm soát. Đó là lỗ hổng rủi ro rất lớn".