Tổng thống Donald Trump: “Nước Mỹ đã trở lại”
Ông Trump nhấn mạnh trong một tuyên bố kéo dài 24 phút đồng hồ tại Nhà Trắng sau chuyến công du châu Á
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/11 bác bỏ những nhận định cho rằng chuyến thăm châu Á kéo dài gần 2 tuần của ông không mang lại bước đột phá nào về vấn đề thương mại và Triều Tiên. Trong một tuyên bố kéo dài 24 phút đồng hồ tại Nhà Trắng, ông Trump bảo vệ mạnh mẽ chương trình nghị sự mang màu sắc dân tộc của ông trong chuyến công du.
Theo hãng tin Bloomberg, trong bài phát biểu, ông Trump đã nhắc lại chuyến thăm 5 nước châu Á - gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, và Philippines - cũng như hai chuyến công du trước đó của ông đến Trung Đông và châu Âu. Nhà lãnh đạo Mỹ nói nước Mỹ chưa bao giờ được nể trọng đến như vậy trên toàn cầu, và người Mỹ đang một lần nữa "lạc quan về tương lai, tự tin vào các giá trị của mình, và tự hào về lịch sử cũng như vai trò của đất nước mình trên thế giới".
"Thông điệp của tôi đã tạo được tiếng vang", ông nói. "Lãnh đạo 21 nước (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương - APEC) đã lần đầu tiên công nhận tầm quan trọng của thương mại bình đẳng và có đi có lại, công nhận sự cần thiết phải giải quyết các hoạt động thương mại không bình đẳng, và thừa nhận rằng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rất cần phải được cải cách".
Tại châu Á, ông Trump đã đề nghị lãnh đạo các quốc gia giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và kêu gọi các nước mua thêm hàng hóa Mỹ. Ông không hề úp mở mà công khai đề cao chính sách "nước Mỹ trên hết", cảnh báo các đối tác tương mại của Mỹ rằng ông sẵn sàng áp dụng thêm các biện pháp bảo hộ thương mại để hỗ trợ các công ty và người lao động Mỹ.
Trong chuyến thăm của ông Trump tới Trung Quốc, doanh nghiệp hai nước đã ký kết số thỏa thuận kinh tế trị giá hơn 250 tỷ USD. Tuy nhiên, những thỏa thuận này chưa phải là hợp đồng chính thức và có thể sẽ không được thực thi.
Và cho dù chỉ trích mạnh những điều mà ông cho là lỗi hệ thống trong quan hệ thương mại của Mỹ, ông Trump chưa hề công khai đề nghị hay nhận được sự đảm bảo cụ thể nào từ các nước về giảm thâm hụt thương mại của Mỹ hay giải quyết những vấn đề như quyền tiếp cận thị trường của các công ty Mỹ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong tuyên bố ngày 15/11, ông Trump nói ông đã cương quyết về "thương mại bình đẳng, có đi có lại" với các quốc gia khác. Ông miêu tả lập trường này của ông vừa là "lời mời để ngỏ", vừa là "một sự cảnh báo đối với bất kỳ quốc gia nào lừa dối" hay "dính líu vào sự gây hấn kinh tế" đối với nước Mỹ.
Ông nói, mức thâm hụt thương mại 800 tỷ USD mỗi năm của Mỹ là "không thể chấp nhận. Chúng tôi sẽ bắt đầu làm cho con số này giảm xuống, ở mức nhanh nhất có thể".
"Những hành vi lợi dụng thương mại đã gây tổn hại cho nước Mỹ và người lao động Mỹ, nhưng sẽ không có thêm những hành vi như vậy nữa", ông Trump nói, và tuyên bố "nước Mỹ đã trở lại".
Về vấn đề Triều Tiên, ông Trump ngày 15/11 nói rằng những nước tham dự vào ba cuộc gặp thượng đỉnh mà ông tham dự trong chuyến thăm châu Á đã nhất trí ủng hộ một chiến dịch của Mỹ về gia tăng sức ép kinh tế nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Tuy nhiên, những tuyên bố chính thức của cả Nhà Trắng và Bắc Kinh - đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng - sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Trump đều chưa cho thấy bước tiến cụ thể nào trong vấn đề Triều Tiên.
Theo tin từ Tân Hoa Xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cử một đặc phái viên thăm Triều Tiên từ ngày thứ Sáu tuần này, với mục đích chính thức là thông báo kết quả đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng vị đặc phái viên Trung Quốc còn có thể mang tới Triều Tiên một thông điệp về các cuộc trao đổi giữa ông Trump và ông Tập ở Bắc Kinh vừa qua.