Tổng thống Trump hủy thăm biên giới hai miền Triều Tiên vì sương mù
Lên đường tới khu phi quân sự, nhưng ông Trump đã phải quay lại vì sương mù dày đặc khiến trực thăng chở ông không thể đáp xuống
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/11 hủy chuyến thăm tới khu phi quân sự (DMZ) nằm giữa hai miền bán đảo Triều Tiên do thời tiết sương mù khiến trực thăng của ông không thể hạ cánh. Chuyến thăm này là nội dung không có trong lịch trình chính thức được công bố trước đó.
Trước khi có bài phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc vào sáng ngày thứ Tư để khép lại chuyến thăm kéo dài 24 giờ tới nước này, ông Trump đã lên đường tới DMZ. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng và các quan chức tháp tùng đã phải quay lại vì sương mù dày đặc khiến chiếc trực thăng chở ông không thể đáp xuống - hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Nhà Trắng cho biết.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói rằng ông Trump thất vọng vì không thể thăm DMZ. Chuyến thăm tới khu vực này của ông được lên kế hoạch một cách bí mật và nhằm thể hiện sức mạnh của mối quan hệ liên minh Mỹ-Hàn. Việc các nhà lãnh đạo Mỹ tới thăm DMZ thường bị Triều Tiên xem là hành động gây hấn.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng buộc phải từ bỏ kế hoạch cùng ông Trump tới DMZ.
Trước chuyến thăm Hàn Quốc của ông Trump, các trợ lý của ông khẳng định ông không có kế hoạch tới DMZ. Nếu diễn ra, một chuyến thăm như vậy có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu vào hôm thứ Ba, ông Trump đã giảm phần nào mức độ gay gắt với Triều Tiên, và thay vào đó áp dụng cách tiếp cận thiên về kiểu "cây gậy và củ cà rốt". Ông cảnh báo Bình Nhưỡng về sự gia tăng hiện diện củ quân đội Mỹ trong khu vực, nhưng cũng để ngỏ cánh cửa ngoại giao để "đạt một thỏa thuận" nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên - thách thức đối ngoại lớn nhất của ông hiện nay.
Kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc, ông Trump sẽ bay tới Bắc Kinh. Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc, ông Trump dự kiến sẽ thuyết phục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gia tăng sức ép với Triều Tiên để buộc nước này phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Trong một cuộc họp báo ngày 7/11 ở Seoul, ông Trump nói rằng Trung Quốc và Nga, một hàng xóm lớn khác của Triều Tiên, là hai trong số những nước mà sự hợp tác của họ có vai trò quan trọng trong việc kiềm chế tham vọng vũ khí của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ Trung Quốc có sẵn sàng hành động thêm trong vấn đề Triều Tiên. Bắc Kinh vẫn nói rằng ảnh hưởng của họ đối với Bình Nhưỡng đã bị phương Tây thổi phồng, và việc họ ủng hộ những nghị quyết trừng phạt Triều Tiên mới đây của Liên hiệp quốc là bằng chứng cho thấy họ đã làm tất cả những gì có thể.
"Về vấn đề này, lập trường và quan điểm của Trung Quốc đã rất rõ ràng và nhất quá. Mọi người đều có thể thấy rõ là chúng tôi không cần ai phải bảo chúng tôi nên làm gì", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói vào hôm thứ Hai.
Mặc dù vậy, giới quan sự dự báo rằng ông Trump và ông Tập sẽ tiếp tục thể hiện mối quan hệ cá nhân thân tình trong chuyến thăm Bắc Kinh của nhà lãnh đạo Mỹ. Sự thân tình này đã được thể hiện trong chuyến thăm của ông Tập tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida, Mỹ hồi tháng 4.
Theo dự kiến, Trung Quốc sẽ dành cho ông Trump những nghi lễ đón tiếp trọng thị nhất. Tại Bắc Kinh, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ thăm Tử Cấm Thành, tham gia vào một chuyến thị sát quân đội Trung Quốc, bên cạnh nhiều hoạt động khác.