Tổng thống Venezuela hứa “tái sinh” nền kinh tế
Lời hứa này được ông Maduro đưa ra trước cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào cuối tuần
Bị đổ lỗi gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tiền lệ ở Venezuela, Tổng thống Nicolas Maduro ngày 15/5 tuyên bố sẽ tạo ra "những thay đổi to lớn" trong nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ đang chống chọi với siêu lạm phát và thiếu thốn nghiêm trọng các hàng hóa thiết yếu.
Theo hãng tin Reuters, lời hứa này được ông Maduro đưa ra trước cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào cuối tuần.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo 55 tuổi thuộc cánh tả không đưa ra một kế hoạch chi tiết cho việc vực dậy nền kinh tế Venezuela. Quốc gia thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) này đang chìm trong năm suy thoái thứ liên tiếp, kể từ khi ông Maduro lên cầm quyền vào năm 2013.
Bất chấp sức ép từ phe đối lập và những cuộc biểu tình của hàng triệu người Venezuela, ông Maduro đến nay từ chối thực hiện bất kỳ cải cách nào, dù là nhỏ nhất, đối với nền kinh tế suy sụp. Chế độ tỷ giá kép và các biện pháp giá cả mà Chính phủ của ông Maduro áp dụng đều bị các chuyên gia kinh tế phương Tây cho là sai lầm.
"Venezuela cần những thay đổi kinh tế to lớn và chúng ta sẽ tự mình làm việc đó", ông Maduro phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Charallave, phía Nam thủ đô Caracas.
Ông Maduro được dự báo sẽ tái đắc cử Tổng thống trong cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tuần này, nhờ việc phe đối lập tẩy chay cuộc bầu cử, những người trung thành của ông nắm quyền kiểm soát các thể chế chính, và sức mạnh giành phiếu bầu nhờ các khoản trợ cấp nhà nước.
"Nếu các bạn trao quyền lực cho tôi vào ngày 20/5, tôi xin thề sẽ cống hiến cuộc đời mình để tạo ra những thay đổi kinh tế mà Venezuela cần để tái sinh", ông Maduro nói.
Đối với nhiều người Venezuela và giới quan sát quốc tế, những chính sách kinh tế sai lầm của ông Maduro là nguyên nhân phía sau tình trạng siêu lạm phát, khan hiếm thực phẩm, sự trở lại của những dịch bệnh từng được kiểm soát, và di cư ồ ạt.
Trong khi đó, ông Maduro cho rằng "cuộc chiến tranh kinh tế" do Mỹ dẫn đầu, bao gồm lệnh trừng phạt gần đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với ngành tài chính Venezuela, là nguyên nhân đẩy kinh tế Venezuela rơi vào khủng hoảng.
Một số nhà quan sát dự báo nếu tái đắc cử, ông Maduro sẽ có một lập trường cứng rắn hơn đối với các công ty, khiến tình hình càng khó khăn hơn. Những vụ bắt giữ gần đây nhằm vào lãnh đạo hàng đầu tại ngân hàng tư nhân lớn nhất Venezuela là Banesco và hai nhân viên tại hãng dầu lửa Mỹ Chevron đã khiến giới doanh nhân ở Venezuela lo sợ.
"Do ít có khả năng chế độ tỷ giá hiện nay được điều chỉnh hay biện pháp chống siêu lạm phát được triển khai, Chính phủ Venezuela hầu như không có lựa chọn chính sách nào ngoài việc can thiệp vào thị trường và đổ lỗi cho người khác", một báo cáo gần đây của Eurasia viết.
Đối thủ chính của ông Maduro trong cuộc bầu cử vào ngày Chủ nhật là ông Henri Falcon, một cựu Thống đốc bang. Ông Falcon đề xuất đô-la hóa nền kinh tế Venezuela, đảo ngược các vụ quốc hữu hóa, và mở cửa Venezuela cho viện trợ nước ngoài khẩn cấp.
"Các bạn muốn có 2 Petro hai 2 Đôla?" ông Falcon đặt câu hỏi với một đám đông cử tri tại một khu dân cư nghèo trong cuộc vận động tranh cử tối hôm thứ Hai. Petro là đồng tiền ảo mà Chính phủ Maduro phát hành mới đây và được ông Maduro quảng bá là biện pháp để giúp Venezuela tránh tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ.
"Đôla!" đám đông người ủng hộ ông Falcon hô vang câu trả lời.