08:00 22/10/2022

TP.HCM đối thoại về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 – 2025

Hoài Niệm

Hội nghị đối thoại về kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) đã ghi nhận nhiều ý kiến, đồng thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng cơ quan nhà nước thẩm quyền trong công tác lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm của TP.HCM...

Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM sẽ phát triển thêm 300 dự án nhà ở với gần 370.000 căn hộ.
Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM sẽ phát triển thêm 300 dự án nhà ở với gần 370.000 căn hộ.

Ngày 20/10/2022, nhằm thực hiện Kế hoạch số 649/KH-UBND ngày 8/3/2021 của Ủy ban nhân dân TP.HCM về việc tổ chức thực hiện lập Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh (2021-2025) và Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tổ chức Hội nghị Đối thoại về Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) của thành phố.

Tại đây, đơn vị tư vấn đã thuyết minh kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) của TP.HCM để lấy ý kiến trước khi hoàn thiện trình cấp thẩm quyền phê duyệt. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Trà Ngọc Phong, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, nêu rõ: vừa rồi Chính phủ phân bổ chỉ tiêu đất chuyên trồng lúa cho TP.HCM là trên 9.000 ha. Tuy nhiên, thực tế bố trí đất lúa cho các huyện không đúng với hiện trạng. Ví như trường hợp ở các huyện Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn.

"Chúng ta lập kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 mà quận Bình Thạnh (quận nội thành – NV) vẫn còn đất lúa là không phù hợp với thực tế. Hiện nay chỉ còn huyện Củ Chi trồng lúa và một số ít ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn mà thôi. Huyện Hóc Môn với tốc độ phát triển như hiện nay thì diện tích đất nông nghiệp cũng đã giảm rất nhiều rồi", ông Phong lý giải.

TP.HCM đề xuất chuyển đổi đất trồng lúa làm dự án nhà ở. Ảnh minh họa.
TP.HCM đề xuất chuyển đổi đất trồng lúa làm dự án nhà ở. Ảnh minh họa.

Hay như trường hợp của huyện Bình Chánh, dự kiến phân bổ đất chuyên trồng lúa nước cho huyện là 2.700 ha, hơn gấp đôi so với kế hoạch sử dụng đất kỳ trước. Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh Nguyễn Thị Thảo, người dân tại đây đang băn khoăn vì trồng lúa nước không hiệu quả. Bây giờ mà phân bổ thêm 2.700 ha nữa là không phù hợp thực tế sử dụng. Do đó, bà Thảo đề nghị đơn vị tư vấn tiến hành điều tra, khảo sát cụ thể, đánh giá thổ nhưỡng đối với một số quận, huyện trong Thành phố.

Trong khi đó, đất đai phân bổ cho ngành y tế thì lại thấp hơn nhu cầu thực tế. Sở Y tế TP.HCM cho biết, kế hoạch sử dụng đất y tế của Thành phố đến năm 2020 là 665 ha. Tuy nhiên, báo cáo của đơn vị tư vấn thể hiện đến năm 2025, diện tích đất y tế chỉ còn 449 ha, giảm 196 ha. Sở Y tế TP.HCM kiến nghị giữ nguyên 665 ha theo quyết định được phê duyệt trước đây vì ngành y tế Thành phố hiện đang thiếu đất xây mới bệnh viện, mở rộng bệnh viện.

Trên thực tế, tại TP.HCM trong giai đoạn vừa qua, vẫn tồn tại nhiều hạn chế, như: Một số chỉ tiêu thực hiện còn thấp, việc giao đất, cho thuê đất ở nhiều nơi còn nhiều bất cập, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa có cơ chế hữu hiệu để xử lý các dự án chậm tiến độ hay không đưa đất vào sử dụng…

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, nhận xét rằng trước thực tiễn cũng như yêu cầu đặt ra, việc lập kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2025 của TP.HCM là rất cần thiết nhằm cụ thể hóa kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu cấp quốc gia, nội dung phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch của Thành phố.

Ông Thắng cũng đúc kết đồng thời lưu ý các địa phương: Để bảo đảm thời gian, tiến độ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025, các quận, huyện và TP. Thủ Đức cùng các sở, ngành tiến hành rà soát lại toàn bộ nội dung liên quan tới địa bàn, nhất là danh mục dự án.

“Bảo đảm có kế hoạch sử dụng đất đúng và trúng, đầy đủ nội dung để trình Uỷ ban nhân dân TP.HCM, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Thắng nhấn mạnh.