16:03 15/12/2023

TP.HCM: Đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh

Thi Nguyễn

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 đăng ký quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tăng trung bình 12% - 15% mỗi năm. Đồng thời, đưa thành phố trở thành trung tâm sáng tạo giống cây trồng hàng đầu của cả nước…

 TP.HCM tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - Ảnh minh hoạ
TP.HCM tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - Ảnh minh hoạ

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn.

Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu đạt số lượng đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp của các chủ thể trên địa bàn thành phố tăng trung bình 12 - 15% mỗi năm.

Cụ thể, số lượng đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp của các chủ thể trên địa bàn thành phố tăng trung bình 12 - 15% mỗi năm; số lượng đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng của các chủ thể trên địa bàn thành phố tăng trung bình 12 - 14% mỗi năm, đưa thành phố trở thành trung tâm sáng tạo giống cây trồng hàng đầu của cả nước; số lượng tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước được chuyển giao và thương mại hóa đạt 10 - 15%.

Theo UBND TP.HCM, thành phố hướng đến là nâng cao tính đồng bộ, hiệu quả trong hoạt động sở hữu trí tuệ qua các giai đoạn xác lập, khai thác và bảo vệ quyền nhằm tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.

Đồng thời, gia tăng số lượng và chất lượng tài sản trí tuệ mới của các chủ thể trên địa bàn thành phố, góp phần cải thiện các chỉ số sở hữu trí tuệ trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và đưa thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp…

Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM cũng đã tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, hỗ trợ tra cứu, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ cho các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra các tài sản trí tuệ được bảo hộ và bài báo khoa học có tính ứng dụng cao. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn, huấn luyện từ cơ bản đến chuyên sâu về sở hữu trí tuệ phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong nước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng mới là kết quả được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước thành phố; nhãn hiệu cho các sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP).

Bên cạnh đó, hỗ trợ đăng ký bảo hộ ở nước ngoài đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng mới, nhãn hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của thành phố và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP…

Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ. Trong đó, hỗ trợ khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc thù của địa phương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị.

Đối với doanh nghiệp, thành phố sẽ hỗ trợ giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ; hỗ trợ quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ…

Song song đó, thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ tổ chức trưng bày, triển lãm sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, thành phố sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của chủ thể quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và giống cây trồng; tổ chức đại diện, quản lý và chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan; hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.