18:26 02/01/2022

TP.HCM: Nhà đầu tư tìm phương án vốn cho dự án đường trên cao

Xuân Nghi

Với tổng số vốn khoảng gần 30.000 tỷ đồng, đơn vị nghiên cứu dự án tiền khả thi tuyến đường trên cao Bắc – Nam dài 14,1 km - Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), vừa đưa ra 3 phương án để huy động nguồn vốn...

Phối cảnh dự án tuyến đường trên cao Bắc - Nam với ýtưởng khai thác không gian dọc tuyến bằng cách xây dựng các dự án nhà ở, nhà cao tầng...
Phối cảnh dự án tuyến đường trên cao Bắc - Nam với ýtưởng khai thác không gian dọc tuyến bằng cách xây dựng các dự án nhà ở, nhà cao tầng...

Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng giám đốc CII cho biết, CII vừa có báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án đường trên cao Bắc - Nam đoạn từ đường Cộng Hòa, quận Tân Bình đến đại lộ Nguyễn Văn Linh, quận 7 (TP.HCM).

Theo đó, CII đề xuất ba phương án huy động nguồn vốn đầu tư.

Phương án 1, dự án triển khai theo hình thức đầu tư công, hoặc kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài (ODA).

Phương án 2, công trình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, ở cách làm này, đơn vị tư vấn đánh giá mức phí 35.000 đồng/lượt xe, nhân với lượng phương tiện dự báo trong 26 năm, nhà đầu tư chỉ cân đối 5.500 tỷ đồng, chưa đến 20% tổng đầu tư. Ngân sách vì thế phải bù vào 80% và điều này không khả thi bởi hiện quy định vốn góp nhà nước vào dự án PPP không quá 50%.

Phương án 3, đơn vị nghiên cứu đề xuất vẫn triển khai dự án theo hình thức PPP, nhưng nâng vốn góp nhà đầu tư lên 50%. Trong đó sẽ xem xét lại mức thu phí, tìm nguồn vay lãi suất thấp; khai thác quỹ đất trên tuyến, chỉnh trang đô thị...

Cũng theo bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, phương án 3 với ý tưởng khai thác không gian dọc tuyến đường bằng cách cho xây nhà ở, nhà cao tầng,… nhằm sớm thu hồi vốn cho nhà đầu tư. Các công trình dọc tuyến sau khi xây dựng sẽ áp dụng hình thức cho thuê mà không giao tư nhân sở hữu. “Ý tưởng này còn khá xa lạ với Việt Nam và chúng ta chưa có quy định, nhưng lại khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới”, bà Trâm nói.

Tuyến trên cao Bắc – Nam dài 14,1 km, rộng 30 mét gồm 4 làn xe, điểm đầu từ nút giao thông Cộng Hòa - Trường Chinh, quận Tân Bình (khu vực sân bay Tân Sơn Nhất), chạy dọc các tuyến Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - hẻm 656 (đường Cách Mạng Tháng Tám) - Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn và kết thúc tại đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7).

Quy hoạch hệ thống tuyến đường trên cao của TP.HCM không có tuyến trên cao Bắc – Nam này; tuy nhiên, đây là sự kết hợp từng đoạn của 3 tuyến trên cao số 1, 2, 3 để ưu tiên xây dựng trước. Khi TP.HCM có đủ nguồn lực để xây dựng hoàn thiện các phân đoạn còn lại thì cùng với các tuyến số 4, số 5 sẽ tạo thành hệ thống giao thông trên cao hoàn chỉnh, đồng bộ.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, TP.HCM có 5 tuyến đường trên cao với tổng chiều dài gần 71 km, nhưng hiện chưa có tuyến nào được đầu tư. Quyết định Số: 101/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; và Quyết định số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 thì, chậm nhất đến năm 2020, TP.HCM xây dựng xong tổng cộng 5 tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài 70,7 km.

Đến nay đã hơn 16 năm kể từ lúc quy hoạch được duyệt, vẫn chưa có tuyến nào được triển khai, nguyên nhân chủ yếu là nguồn vốn huy động khổng lồ.

Trước đó, vào cuối tháng 11/2021, CII đã đề xuất tự nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến đường trên cao Bắc – Nam, nối Tân Bình đi quận 7 dài 14,1 km với tổng vốn đầu tư khoảng 29.500 tỷ đồng, tương đương hơn 1,3 tỷ USD... Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã chấp thuận giao CII nghiên cứu lập “Đề xuất dự án đường trên cao Bắc - Nam theo hình thức đối tác công tư - PPP (Hợp đồng BOT)” lấy từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp trong thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày được giao.

Trước khi đề xuất tự nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến Bắc – Nam này, CII đã đề nghị được tham gia nghiên cứu đầu tư tuyến đường trên cao số 1. Tuy nhiên, sau thời gian nghiên cứu, nhận thấy dự án khó khả thi nên chuyển hướng sang nghiên cứu tuyến Bắc – Nam này.

 

Dự án đầu tư xây dựng tuyến trên cao Bắc – Nam có khái toán nguồn vốn khoảng 30.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 15.500 tỷ, chi phí xây dựng khoảng 14.500 tỷ, chưa tính chi phí lãi vay.

Theo đề xuất ban đầu của CII, hình thức đầu tư của dự án sẽ là PPP hợp đồng BOT, tiến độ thực hiện trong giai đoạn năm 2021 - 2025.