TP.HCM tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm các bếp ăn trường học
Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM sẽ tiến hành đợt cao điểm đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học và cơ sở sản xuất bánh Trung Thu…
Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM vừa ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm phục vụ Tết Trung thu và các bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn.
Cụ thể, từ ngày 15/8 - 9/10/2023 các Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM sẽ tiến hành đợt cao điểm đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết Trung thu như bánh, mứt, kẹo, trà, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, các loại bánh Trung thu, các sản phẩm từ bột... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Trong đó, tiến hành kiểm tra các nội dung như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm); kiểm nghiệm nước sử dụng trong chế biến; hợp đồng mua bán, hóa đơn chứng từ mua vào, hồ sơ công bố/tự công bố sản phẩm, giấy tờ liên quan đến nguyên liệu, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; sổ thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước;…
Ngoài ra, Ban quản lý sẽ kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở, cụ thể: Điều kiện vệ sinh cơ sở; điều kiện trang thiết bị, dụng cụ; điều kiện về con người; các hồ sơ pháp lý và nội dung khác theo yêu cầu của các thành viên tham gia Đoàn kiểm tra.
Theo ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, trong quá trình kiểm tra sẽ thực hiện lấy mẫu sản phẩm được sử dụng nhiều phục vụ dịp Tết Trung thu, các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về chất lượng thực phẩm, có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm, gửi mẫu kiểm nghiệm thực phẩm tại các Phòng kiểm nghiệm được chỉ định.
Từ đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, hạn chế, ngăn ngừa các sự cố về an toàn thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
“Thông qua hoạt động kiểm tra, sẽ kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm”, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM cho biết thêm.
Song song với cao điểm kiểm tra, đánh giá hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố ban hành Kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn.
Việc kiểm tra được thực hiện từ ngày 15/9 - 31/10, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, hạn chế, ngăn ngừa các sự cố về an toàn thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên trước thềm năm học mới.
Trong quá trình kiểm tra, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM sẽ kết hợp làm công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức cán bộ quản lý trường học, người chế biến thực phẩm trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM đã thanh tra, kiểm tra 21.365 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả phát hiện 2.816 cơ sở vi phạm, xử phạt 638 cơ sở với tổng số tiền 13,4 tỉ đồng. Bên cạnh đó còn tịch thu hơn 13 tấn đường cát, tiêu hủy 29.235 đơn vị sản phẩm và 4,5 tấn sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, đã chuyển cơ quan điều tra xử lý 7 cơ sở (trong đó đã khởi tố 2 cơ sở), nhắc nhở 2.177 cơ sở chủ yếu kinh doanh thức ăn đường phố…