Trách nhiệm về số liệu thống kê: Không ai được phép "làm đẹp" GDP
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định không phải gửi ai duyệt trước khi công bố số liệu thống kê
Cả Nghị trường và giới chuyên gia những ngày qua "dậy sóng"vì sự tăng tốc "thần kỳ" của GDP quý III. Trong bão táp dư luận, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định ông hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự độc lập, khách quan của số liệu thống kê.
Tại hội thảo về "Động lực tăng trưởng" do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 15/11 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khảng khái nói, "không có chuyện phải gửi bất kỳ ai duyệt trước khi công bố kết quả thống kê".
Không phải gửi ai phê duyệt
Ông Nguyễn Bích Lâm kể, sau khi công bố số liệu GDP 9 tháng đầu 2017 mà nhiều người trong giới chuyên gia cũng như đại biểu Quốc hội gọi là "thần kỳ", "kỳ lạ", "kỳ dị", nhiều người hỏi, sau khi thống kê xong số liệu, Tổng cục Thống kê có phải gửi cho Chính phủ duyệt không?
"Tôi xin khẳng định theo luật, Tổng cục trưởng chịu trách nhiệm về số liệu thống kê. Tôi không phải gửi ai duyệt cả", Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho biết thêm, "trước đây, khi anh Bùi Quang Vinh còn làm Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư cũng vậy, khi hoàn thành việc thống kê số liệu, chúng tôi mới gửi. Anh Vinh thường nói rằng Chính phủ rất tôn trọng số liệu của ngành".
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chia sẻ, "tôi đã nghe rất nhiều ý kiến của chuyên gia, họ không tin tưởng số liệu thống kê vì không được cung cấp đầy đủ số liệu liên quan".
Ông đồng thời bày tỏ Chính phủ rất mong nhận được sự đồng cảm, chân thành, nhất là trong bối cảnh trập trùng gian khó như hiện nay.
Đó là, tự do hoá thương mại có vẻ gặp nhiều trở ngại, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội tốt nhưng cũng gây nguy cơ Việt Nam bị bỏ lại xa hơn nếu "lỡ tàu"; kinh tế thế giới có diễn biến khó đoán định, phục hồi không đồng đều.
Trong nước thì thiên tai, biến đổi khí hậu đến nhanh hơn và khó lường; dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ không có nhiều khi vừa phải giải quyết các khuyết tật của nền kinh tế đã tích tụ nhiều năm và vừa phải tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Nhấn mạnh việc phát triển nhanh, bền vững là chủ trương rõ ràng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và là mệnh lệnh của cuộc sống để rút ngắn khoảng cách với các nước khác trên thế giới, theo Phó Thủ tướng Huệ, "nếu không đạt được sự đồng thuận cao để huy động đông đảo người dân tham gia đóng góp cho tăng trưởng thì sự tăng trưởng sẽ không thành công và thành quả của tăng trưởng không được chia sẻ tới các tầng lớp nhân dân. Và khi đó, tăng trưởng sẽ không có ý nghĩa gì vì không bảo đảm được mục tiêu không một ai bị bỏ lại phía sau".
Theo phân tích của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, một điểm ít thấy trong diễn biến tăng trưởng những năm qua, là năm nay có sự tăng trưởng đồng đều ở cả 3 khu vực, nông nghiệp đã qua thời kỳ "lép vế" và khôi phục được sức mạnh trụ đỡ, nhờ năm nay ít chịu hạn hán, ngập mặn, cùng đó, ngành này diễn ra sự thay đổi cơ cấu rất quan trọng, chuyển đổi từ những ngành giá trị thấp sang giá trị cao.
Chẳng hạn, sau chuyển đổi 1 ha gieo trồng lúa sang trồng thuỷ sản, giá trị từ thuỷ sản gấp 5 lần lúa. Kết quả là sau 10 tháng, xuất khẩu thuỷ sản tăng mạnh, thậm chí dự kiến sẽ đạt 2,2 tỷ USD và vượt dầu thô về giá trị xuất khẩu.
Là một trong những chuyên gia đầu tiên thấy GDP quý III là "khó hiểu", TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) nói, "nông nghiệp là điểm sáng giúp GDP tăng trưởng. Mọi người cứ nói nhờ Samsung hay Formosa nhưng tôi thấy sáng nhất là nông nghiệp. 1-2 năm trước đang khó khăn, nay được nông nghiệp như vậy, do sự chuyển đổi bước đầu của cơ cấu nông nghiệp".
Đừng dồn nén, áp đặt
Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng không nên dồn nén, áp đặt Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng. Như khi trao đổi cùng báo chí, TS. Lưu Bích Hồ nói, "cả thế giới không có mấy quốc gia nói nhiều như chúng ta về tăng trưởng. Ngay cả ở những nền kinh tế hàng đầu hay những nền kinh tế tương tự ta, trong thuận lợi hay lúc khó khăn, người ta cũng không để tâm nhiều về tăng trưởng với cách tính thế này, thế kia giống như đếm cua trong lỗ của Việt Nam".
Cũng theo vị chuyên gia này, "dẫu biết rằng chúng ta có khác biệt là nước đi sau nên chúng ta phải đặt mục tiêu tăng trưởng để tránh tụt hậu, đuổi bám các nền kinh tế khác, đồng thời tăng trưởng cao mới giải quyết các vấn đề cốt lõi của kinh tế như: trả nợ, việc làm, ngân sách... Tuy nhiên, theo đuổi mục tiêu con số tăng trưởng dường như chỉ vì thành tích, thì không phù hợp với kinh tế thị trường và tư duy Nhà nước kiến tạo".
TS. Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, cũng cho rằng không nên coi GDP là một thước đo quá quan trọng của Việt Nam. Vì như dưới góc độ của nhà đầu tư nước ngoài, tăng trưởng 6% một năm cũng đã đủ hấp dẫn để họ mang tiền vào đầu tư. Thực tế, Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội đã lần đầu tiên thông qua Nghị quyết về kinh tế - xã hội với chỉ tiêu GDP cho năm 2018 đã được "mềm hóa" bằng con số tăng từ 6,5% đến 6,7% chứ không còn chỉ chốt chặt vào một đích như trước đây.