17:04 31/05/2018

Trái chiều quan điểm xử lý tài sản bất minh

Nguyễn Lê

Người nói khả vi, vị khác cho rằng là nửa vời, ý kiến khác bảo không thể thực hiện nổi

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) tại phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) tại phiên thảo luận tổ.

Người nói khả khi, vị khác cho rằng là nửa vời, ý kiến khác bảo không thể thực hiện nổi... phương án xử lý tài sản bất minh vẫn trái chiều chan chát tại phiên thảo luận tại tổ chiều 31/5 của Quốc hội về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý là nội dung mới được bổ sung vào dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp này, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.

Dự thảo luật nêu hai phương án và Chính phủ chọn phương án 1: cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân.

Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập do người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai không trung thực hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng.

Phương án 2: cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc.

Ý kiến của Ủy ban Tư pháp (cơ quan thẩm tra dự án luật) cũng còn phân tán, không đủ tập trung cho phương án nào.

Đã bất minh thì phải tịch thu 

Tại phiên thảo luận, ý kiến đại biểu cũng rất khác nhau.

Băn khoăn quy định đánh thuế 45% với tài sản bất minh của cán bộ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lo ngại, có khả năng trước khi luật này được thông qua thì cán bộ sẽ ồ ạt khai ra rất nhiều tài sản cho là được thừa kế, tặng cho. Như vậy, có thể "thời điểm trước khi đạo luật này ra đời lại là cơ hội nâng đỡ cho sự cất cánh của tham nhũng ở giai đoạn trước".

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) nhận xét: "đánh thuế 45% tài sản bất minh là biện pháp xử lý nửa vời vì nếu tài sản đã xác định là bất minh thì phải tịch thu chứ sao lại chỉ lấy 45%. Phương án này phá vỡ cả lý luận và thực tiễn. Sao có thể nói tài sản bất minh thì chỉ 45% là do tham nhũng còn lại 55% thì không nên có thể được giữ lại?".

Theo đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) xác định một tài sản là bất minh cần hết sức cân nhắc. Vị đại biểu Bến Tre lo quy định này thiếu khả thi vì trước hết, việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng. Phải qua một bản án của toà tuyên bố tài sản của một người là bất minh thì mới tiến hành tịch thu được chứ không thể áp dụng cách thu thuế hay là phạt tiền (đều ở mức 45%) được.

"Nên nghiên cứu các biện pháp thu hồi thông qua thủ tục tố tụng cho phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp. Vấn đề này mà giải quyết không căn cơ và vô tình là lại hợp thức hoá cho những tài sản bất minh khi có khả năng tài sản do phạm tội mà có lại được giữ 55%, ông Phong bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Đặng Thuần Phong cũng cho rằng, phải có tiêu chí cụ thể để xác định tài sản, thu nhập tăng thêm như thể nào là không hợp lý để hạn chế việc suy diễn chủ quan của các cơ quan có thẩm quyền. Nên xác định những cơ quan nhất định như thanh tra hay cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản có thẩm quyền này chứ không dễ có biểu hiện loạn xã hội, vì "nếu yêu thì nói tài sản tăng thêm là bình thường, không yêu lại phán đó là bất minh".

Đánh thuế là khả thi

Nếu kê khai không đúng dứt khoát phải xử lý, tôi đồng tình với đánh thuế thu nhập tài sản bất minh, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) thể hiện chính kiến.

Theo phân tích của đại biểu Quyền thì xử lý hình sự cũng khó, mà tịch thu thì về mặt pháp lý sẽ vướng cả Hiến pháp và luật.

Trước đây Hà Nội tịch thu hơn 100 nhà gọi là tài sản bất minh sau đó phải giải quyết hậu quả, ông Quyền nêu dẫn chứng.

Phương án tốt nhất, theo đại biểu Quyền là coi tài sản không giải trình được là tài sản vãng lai để đánh thuế, chứ nếu làm căng làm dữ mà không có cơ sở thì khó thu.

Ông Quyền phân tích, tài sản người ta có bằng nhiều nguồn có những thứ không phải tham nhũng mà là "lách luật" hay có quan hệ nên biết được nhiều thông tin, mua đất chỗ rẻ sau đó hợp thức hoá bán được được lãi nhiều. Nhưng tài sản đó họ cũng ko dám khai ra, câu chuyện như thế nhiều lắm, do xã hội tạo ra cách làm đó, pháp luật không cấm.

Với những trường hợp này, đại biểu Quyền cho rằng đánh thuế 45% "chắc họ cũng phải chịu, khả thi".

"Nhiều người có nhiều đất lắm mà không kê khai, nếu kiểm tra phát hiện thì đánh thuế là khả thi", ông Quyền nói.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng đồng tình với phương án đánh thuế tài sản bất minh. Ông Phương cho rằng đánh thuế là không phạm luật, còn vi phạm pháp luật thì nhà nước thu hồi là hiển nhiên.