Trật tự thị trường dầu lửa đảo lộn: Mỹ xuất khẩu dầu sang Trung Đông
Một con tàu chở dầu xuất phát Houston, Mỹ đã cập bến vùng Vịnh vào tháng trước
Trong một diễn biến cho thấy sự đảo lộn trong trật tự của ngành dầu lửa toàn cầu, Các tiểu vương quốc Arab (UAE) trở thành khách hàng nhập khẩu dầu thô từ Mỹ.
UAE - một hình mẫu về quốc gia dầu lửa ở vùng Vịnh, nơi dòng tiền bất tận từ xuất khẩu dầu thô tạo nên một quỹ đầu tư quốc gia khổng lồ - không phải là khách hàng lớn mua dầu thô khai thác ở vùng Texas của Mỹ. Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg cho biết, theo số liệu của Chính phủ Mỹ, UAE đã mua dầu trực tiếp từ Mỹ trong tháng 12.
Một con tàu chở dầu xuất phát Houston, Mỹ đã cập bến vùng Vịnh vào tháng trước.
Đây được xem là một minh chứng cho thấy sự nổi lên của ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ đang đảo lộn trật tự của thị trường năng lượng toàn cầu như thế nào.
Nguồn thạo tin tiết lộ lô dầu mà UAE mua của Mỹ nói trên thuộc loại khí ngưng (condensate), một loại dầu thô rất nhẹ, được chuộng hơn các loại dầu của Trung Đông, bởi chất lượng của loại dầu cần thiết đối với các nhà máy lọc hóa dầu của UAE.
"Là một thành viên Tổ chức Xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và là một nước sản xuất dầu thô lớn, tôi cho là UAE tự đảm bảo được nguồn cung dầu thô của họ", ông Andy Lipow, Chủ tịch Lipow Oil Associates LLC, phát biểu. Bởi vậy, ông Lipow cho rằng việc UAE mua dầu Mỹ khó có thể tiếp diễn.
Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu dầu vào năm 2015, cùng với sự phát triển bùng nổ của hoạt động khai thác dầu đá phiến ở nước này đã làm thay đổi dòng chảy của dầu trên thế giới. Dầu xuất khẩu từ các cảng của Mỹ đã tăng từ mức hơn 100.000 thùng mỗi ngày vào năm 2013 lên mức 1,53 triệu thùng/ngày vào tháng 11/2017. Dầu Mỹ được bán tới nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có cả Trung Quốc và Anh.
Số liệu của Cục Thống kê Mỹ công bố hôm thứ Ba tuần này cho thấy Mỹ đã xuất khẩu khoảng 700.000 thùng dầu sang UAE trong tháng 12. Cơ quan Năng lượng Mỹ (IEA) nói đây là lần đầu tiên UAE - nước xuất khẩu dầu lớn thứ tư trong OPEC - nhập khẩu dầu Mỹ. Tuy nhiên, hồi tháng 7, công ty dầu khí quốc gia UAE, Adnoc, cho biết đã mua dầu giao tháng 9 từ Mỹ.
Dù xuất khẩu hơn 2 triệu thùng dầu mỗi ngày, UAE vẫn phải nhập loại dầu siêu nhẹ để sử dụng cho quy trình của bộ chia tách (splitter) trong nhà máy lọc dầu.
Với lượng xuất khẩu dầu thô tăng và xuất khẩu các sản phẩm lọc hóa như xăng vốn đã ở mức cao từ trước, mức nhập khẩu ròng dầu của Mỹ đã sụt mạnh xuống dưới mức 3 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được ghi nhận cách đây 45 năm. Hồi năm 2006, mức nhập khẩu ròng dầu của Mỹ là hơn 12 triệu thùng/ngày.
Tuần này, IEA nói rằng Mỹ có thể trở thành một nước xuất khẩu ròng dầu vào năm 2029.
Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu thô của UAE đã giảm còn 2,85 triệu thùng/ngày trong tháng 1 năm nay, theo số liệu của Bloomberg, từ mức 3,07 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2016. Sự giảm sản lượng này là do OPEC và một số nước đồng minh gồm Nga cắt giảm khai thác để hỗ trợ giá dầu.
Cho tới năm ngoái, UAE vẫn dựa vào nguồn dầu siêu nhẹ từ Qatar. Tuy nhiên, giữa hai nước đang có mâu thuẫn chính trị, và vào tháng 6 năm ngoái, UAE quyết định ngừng hoàn toàn việc nhập dầu từ Qatar.