09:04 05/03/2019

Triển khai mua dự trữ lúa gạo quốc gia

Nguyễn Huyền

Việc triển khai mua 200.000 tấn gạo và 80 ngàn tấn lúa tuy là dự trữ quốc gia thường xuyên nhưng cũng đã tác động đến tình hình chung của thị trường

Dự báo thời gian tới, các thị trường nhập khẩu sẽ có những thay đổi bất lợi đối với sản xuất lúa gạo trong nước.
Dự báo thời gian tới, các thị trường nhập khẩu sẽ có những thay đổi bất lợi đối với sản xuất lúa gạo trong nước.

Năm 2018, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 6,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,08 tỷ USD. Giá xuất khẩu bình quân 501 USD/tấn, tăng 13,86% so với 2017, giá xuất khẩu cao góp phần tiêu thụ ổn định lúa hàng hóa của nông dân. Tuy nhiên, qua năm 2019, thị trường nhiều biến động, đầu ra lúa đông - xuân gặp khó khăn.

Nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ lúa gạo, Thủ tướng Chính phủ cho triển khai mua dự trữ quốc gia 200 ngàn tấn gạo, 80 ngàn tấn lúa trong vụ đông - xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn đề nghị mua thêm 100 ngàn tấn gạo dự trữ cho chương trình trồng rừng ở phía Bắc.

Dưới đây là trao đổi của ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) với Thời báo Kinh tế Việt Nam về vấn đề này.

Mua theo chương trình dự trữ quốc gia 200.000 tấn gạo và 80 ngàn tấn lúa, ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có đề nghị mua thêm 100 ngàn tấn gạo, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này? Vốn mua dự trữ lúa gạo quốc gia sẽ được doanh nghiệp sử dụng từ nguồn nào và lãi suất bao nhiêu %?

Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho triển khai mua dự trữ quốc gia 200 ngàn tấn gạo, 80 ngàn tấn lúa trong vụ đông - xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có đề nghị mua thêm 100 ngàn tấn gạo dự trữ cho chương trình trồng rừng ở phía Bắc, giao Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) triển khai thực hiện. Đây là đề xuất của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại cuộc họp với Thủ tướng hôm thứ ba tuần trước.

Thay vì để Bộ Tài chính dự kiến tổ chức mở thầu mua dự trữ quốc gia 200.000 tấn gạo và 80 ngàn tấn lúa vào ngày 15/3/2019, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất cho triển khai ngay cùng với 100.000 tấn gạo dự trữ cho chương trình trồng rừng, và cho phép mua toàn bộ lượng lúa gạo nói trên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm góp phần kích cầu tiêu thụ lúa đông - xuân cho bà con nông dân. Đó là đề xuất của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có kết luận chỉ đạo.

Việc triển khai mua 200.000 tấn gạo và 80 ngàn tấn lúa tuy là dự trữ quốc gia thường xuyên nhưng cũng đã tác động đến tình hình chung của thị trường. Qua chỉ đạo của Thủ tướng, giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long tại thời điểm đó đã đứng lại và có tăng lên, và đến nay đã tăng từ 50 đến 100 đồng/kg lúa.

Vốn để mua dự trữ lúa gạo quốc gia được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp vay với lãi suất thấp chứ không cấp bù lãi suất và các doanh nghiệp cũng không đề nghị cấp bù.

Ngoài những khó khăn về thị trường, về vay vốn và kinh phí hoạt động thì các doanh nghiệp còn gặp khó khăn gì khác trong việc tiêu thụ lúa gạo?

Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thị trường, do có sự thay đổi chính sách của từng quốc gia nhập khẩu gạo, nên cách tiếp cận thị trường của từng doanh nghiệp phải có sự thay đổi và phải có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, chứ không để mỗi doanh nghiệp chào bán mỗi giá, như vậy sẽ càng bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam và bất lợi cho cả ngành sản xuất lúa gạo trong nước. Đó cũng là định hướng của hiệp hội khi họp với các doanh nghiệp.

Hiện nay các doanh nghiệp đều sẵn sàng thu mua lúa gạo nhưng vướng mắc lớn nhất mà các doanh nghiệp phản hồi là toàn bộ vốn thu mua để dự trữ lưu thông đều phải vay ngân hàng, nhưng hiện tại hạn mức tín dụng của các ngân hàng là khá thấp, không đảm bảo để mua dự trữ lưu thông trong tình hình hiện nay, đồng thời tiếp cận nguồn vốn vay cũng có khó khăn.

Đó là, doanh nghiệp phải có hợp đồng và phải có thế chấp tài sản nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo, nới rộng hạn mức tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vay, thay vì thế chấp tài sản và có hợp đồng thì có thể thế chấp bằng các hàng hóa (lúa gạo), vấn đề này buổi gặp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tôi cũng đã đề nghị như vậy.

Đầu năm 2019, thị trường có khó khăn nhưng dự kiến qua quý 2 sẽ có nhiều hợp đồng mới, do giá gạo của Việt Nam đang ở mặt bằng chung của thị trường và có sự cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác, hiện có một số doanh nghiệp đã tiếp cận được thị trường và tiến đến thỏa thuận ký hợp đồng, có khả năng ký hợp đồng trong quý 2 và giao hàng trong quý 3 với số lượng tương đối lớn. Do vậy, trong thời điểm này, doanh nghiệp rất cần vốn để mua dự trữ.

Ông đánh giá như thế nào về thị trường lúa gạo trong thời gian tới?

Thị trường lúa gạo trong nước còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là những giống lúa mà trước đây có nhu cầu lớn từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc... Dự báo, các thị trường nhập khẩu sẽ có những thay đổi bất lợi đối với sản xuất lúa gạo trong nước. Do vậy, cần có định hướng trong sản xuất từ vụ hè - thu 2019 và những vụ lúa tiếp theo, không nên để cho nông dân thấy loại lúa nào có giá cao thì ào ạt trồng, khi thị trường đứng lại sẽ gặp khó khăn và đó là cũng là nhưng khó khăn chung của doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo thời gian tới.