Triển vọng kinh tế Việt Nam 2024: Tín hiệu khả quan đan xen thách thức
Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam nếm trải không ít khó khăn dù cuối năm mở ra hy vọng khởi sắc từ những tín hiệu phục hồi. Năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%, đây thực sự là thách thức lớn khi vẫn còn đó những áp lực và rủi ro cần theo dõi thêm…
Năm 2023 được ghi nhận là một năm nhiều “sóng gió” đối với kinh tế Việt Nam, khi những khó khăn từ đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, thị trường bất động sản ảm đạm, mặt bằng lãi suất tăng cao kể từ cuối năm 2022,… đã khiến tăng trưởng GDP chỉ đạt 5%, không thể “về đích” 6,0-6,5% như mục tiêu đặt ra, mặc dù Chính phủ và các bộ ngành đã rất nỗ lực.
NHEN NHÓM NHỮNG TÍN HIỆU KHẢ QUAN
Dù vậy, về cuối năm, bức tranh đã tươi sáng hơn với mức tăng trưởng 6,7% trong quý 4. Những động lực chính cho sự hồi phục đó là (i) xuất khẩu dần quay trở lại để tăng trưởng 8,8% trong quý 4; (ii) giải ngân đầu tư công được thúc đẩy nhanh hơn các năm trước, tổng vốn thực hiện từ ngân sách Nhà nước cả năm 2023 tăng trưởng 21%, dần tạo hiệu ứng lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế; (iii) thu hút FDI có xu hướng cải thiện tích cực, vốn đăng ký tăng 32% và vốn giải ngân tăng 3,5% với xu hướng tăng cao hơn trong nửa cuối năm.
Bước sang năm 2024, xuất khẩu, đầu tư công và FDI được kỳ vọng tiếp tục là những động lực hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Xuất khẩu dự kiến trở lại đà tăng trưởng, nhờ sự hồi phục của thị trường công nghệ toàn cầu giúp cho lực cầu cải thiện đối với các mặt hàng chủ lực như điện tử, máy tính, điện thoại. Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản với các mặt hàng như gạo, cà phê,… tiếp tục là điểm tựa, hưởng lợi từ giá cả quốc tế duy trì mức cao do nguồn cung eo hẹp.
Đối với đầu tư công, Chính phủ đã giao kế hoạch năm 2024 với số vốn hơn 677 nghìn tỷ đồng, so với mức ước thực hiện năm 2023 là 580 nghìn tỷ đồng. Tiến độ giải ngân ở những dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam giai đoạn I và II, sân bay Long Thành giai đoạn 1, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Hà Nội,....đã có xu hướng tăng tốc rõ rệt từ nửa cuối năm ngoái nhờ các giải pháp đôn đốc sát sao và quyết liệt của Chính phủ và cơ quan quản lý. Nhờ vậy, nút thắt đâu đó cũng đã có lời giải và kỳ vọng giải ngân đầu tư công năm 2024 tiếp tục duy trì gia tốc, lượng vốn thực hiện có thể đạt 90-95% kế hoạch và tăng 5-10% so với năm trước.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục triển vọng hứa hẹn, tăng trưởng có thể đạt 8%/năm trong năm 2024 cũng như một vài năm tới. Với môi trường kinh tế - xã hội ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, tích cực thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do và nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện với các nền kinh tế hàng đầu, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế, đặc biệt từ các chủ đề mới như xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn,...
Bên cạnh đó, điều kiện thuận lợi hơn còn đến từ xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất, bắt đầu từ nửa sau năm 2023. Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những cơ sở thuận lợi để duy trì định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng: (i) Lạm phát được kiểm soát tốt khi mà CPI năm 2023 ở mức bình quân 3,25%, thấp hơn ngưỡng 4,5% mà Chính phủ đặt ra, trong tiên lượng áp lực lạm phát năm 2024 cũng chưa quá lớn; (ii) tỷ giá hối đoái USD/VND vẫn được duy trì tương đối ổn định dù mặt bằng lãi suất và đồng USD neo ở mức khá cao trên thị trường quốc tế. Lãi suất cho vay do vậy kỳ vọng sẽ được kéo giảm rõ nét hơn, thúc đẩy nhu cầu vay vốn tín dụng, gia tăng đầu tư của cá nhân, doanh nghiệp.
VẪN CÒN NHIỀU THÁCH THỨC
Đan xen với những con số khả quan về tăng trưởng cuối năm 2023, vẫn có một số chỉ báo cho thấy triển vọng của hoạt động sản xuất, xuất khẩu chưa thực sự khởi sắc. Chẳng hạn, chỉ số PMI ngành sản xuất vẫn ở mức dưới 50 điểm trong 4 tháng gần nhất; hay khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ có 24,6% doanh nghiệp đánh giá tích cực về đơn hàng xuất khẩu trong Quý I/2024, so với 28,6% đánh giá tiêu cực. Những dữ liệu này cho thấy con đường chinh phục mục tiêu tăng trưởng 6,0-6,5% của kinh tế Việt Nam trong năm nay không hẳn là đơn giản.
Đó là chưa kể, nhu cầu bên ngoài vẫn khá bấp bênh trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu không thực sự hứa hẹn, với những thách thức như lạm phát và lãi suất còn đang neo cao, rủi ro về địa chính trị như tại biển Đỏ gần đây ảnh hưởng đến hoạt động thương mại.
Các tổ chức quốc tế như World Bank, IMF, OECD,…đều hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 xuống thấp hơn so với năm 2023, dự báo tăng khoảng 2,4-2,9%; trong đó Mỹ - đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, được dự báo tăng trưởng chậm lại còn 1,5% so với mức 2,1% của năm trước. Căng thẳng địa chính trị cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, làm giá năng lượng, chi phí vận chuyển tăng cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.
Trong khi đó, các động lực đến từ trong nước là đầu tư tư nhân và tiêu dùng vẫn đang gặp những khó khăn nhất định và một phần nguyên nhân đến từ diễn biến có phần ảm đạm của thị trường bất động sản. Khả năng lĩnh vực bất động sản phục hồi trong năm 2024 vẫn còn là một ẩn số khá lớn trước những vấn đề ở cả hai phía cung và cầu.
Về phía nguồn cung, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với áp lực tài chính, khó khăn dòng tiền hay vướng mắc pháp lý. Điểm sáng là Luật Đất đai sửa đổi, cùng với các bộ luật khác như Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi mới đây đã được Quốc hội thông qua, với nhiều nội dung được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc cho thị trường. Mặc dù vậy, những vấn đề phức tạp này có thể vẫn cần thêm thời gian để thực sự được khơi thông.
Về phía cầu, thị trường bất động sản trong giai đoạn tới được định hướng phát triển theo hướng tập trung vào nhu cầu thực chất, hạn chế đầu cơ. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế khó có thể khởi sắc trong ngắn hạn trong bối cảnh thị trường vẫn đang có sự lệch pha đáng kể giữa cung và cầu; giữa các phân khúc với nhau. Thực tế cho thấy, so sánh giá nhà ở tại thành phố lớn nhất của Việt Nam với một số quốc gia trong khu vực, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập của Việt Nam đang ở mức khá cao, tương đương với Trung Quốc và cao hơn nhiều nước khác.
Bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều hơn những sắc màu tươi sáng, tích cực so với năm 2023 và tốc độ tăng trưởng theo đó cũng được cải thiện. Việt Nam vẫn đang giữ được cho mình sức hút riêng, tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong trung dài hạn. Mặc dù vậy, đứng trước những thách thức hiện hữu từ cả môi trường bên trong lẫn bên ngoài trong ngắn hạn, để sớm trở lại vùng tăng trưởng 6,0-6,5% quen thuộc, Việt Nam có thể vẫn cần thêm những đột phá mạnh mẽ từ các động lực kinh tế quan trọng như đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu hay thị trường bất động sản bên cạnh cải cách hành chính một cách mạnh mẽ.
(*) Tác giả là thành viên Hiệp hội Nghiên cứu Liên Ngân hàng Việt Nam.
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 06-2024 phát hành ngày 05-02-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam