08:55 26/02/2008

Triển vọng mới cho hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore

Thùy Trang

Singapore đang đứng vị trí thứ 2 trong số 81 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam

Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại Bình Dương.
Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại Bình Dương.
Chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của Tổng thống Singapore Sellapan Rama Nathan và phu nhân hứa hẹn sẽ mở ra những khả năng và xu hướng hợp tác hiệu quả mới giữa hai nước, đặc biệt là giữa doanh nghiệp của hai bên khi có gần 20 doanh nghiệp lớn của quốc đảo tháp tùng Tổng thống Sellapan Rama Nathan sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư.

Singapore là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện quốc đảo Sư tử này đang đứng vị trí thứ 2 trong số 81 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với hơn 543 dự án cùng tổng số vốn đăng ký trên 10,7 tỷ USD.

Những điểm sáng thành công

Các nhà đầu tư Singapore có mặt trong hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam, từ thăm dò, khai thác dầu khí, sản xuất công nghiệp tới chế biến nông, lâm, hải sản, nhưng tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực dịch vụ, tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, số còn lại thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp.

Cũng như các nhà đầu tư khác, các dự án đầu tư của Singapore tập trung phần lớn tại các địa phương có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối phát triển như Hà Nội (chiếm 33,8% tổng vốn đăng ký), Tp.HCM (chiếm 22,2% tổng vốn đăng ký), Bình Dương (chiếm 9,7% tổng vốn đăng ký), trong đó tập trung nhiều nhất tại Hà Nội với 69 dự án, tổng vốn đầu tư là 3,07 tỷ USD, tiếp theo là Tp.HCM với 198 dự án và 2,09 tỷ USD vốn đầu tư, Bình Dương với 85 dự án và 876 triệu USD vốn đầu tư.

Sức sống và mức độ gắn kết của các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam có thể được minh hoạ thông qua hình ảnh của các dự án hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Một trong số đó là Công ty Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore.

Đây là liên doanh giữa Công ty Thương mại và Đầu tư với Công ty Vietnam Singapore Industrial Park Pte., Ltd (VSIP) với tổng vốn đầu tư hiện nay trên 139,1 triệu USD, phía Việt Nam chiếm 49%, Singapore chiếm 51%. VSIP đã triển khai xong việc góp vốn đầu tư cho cả 2 giai đoạn với tổng diện tích khoảng 600 ha đất, đã lấp đầy khoảng 88%.

Trong những ngày cuối năm 2007 vừa qua, VSIP đã triển khai kế hoạch mở rộng đầu tư tại một số tỉnh phía Bắc bằng lễ động thổ Dự án Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ Việt Nam – Singapore tại tỉnh Bắc Ninh. Với diện tích 700 ha, dự án thứ 3 này của VSIP sẽ dành 500 ha cho việc phát triển một khu công nghiệp sạch, có tiêu chuẩn môi trường và công nghệ sản xuất tiên tiến. 200ha còn lại bao gồm các dự án thương mại, khách sạn, siêu thị, nhà ở, căn hộ chất lượng cao. Hiện VSIP Bắc Ninh đã thu hút được 15 dự án đầu tư với tổng số vốn ước tính 200 triệu USD, cam kết thuê trên 120 ha.

Ngày 11/12/2007, dưới sự chứng kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng cấp cao Chính phủ Singapore Goh Chok Tong, Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đã long trọng tổ chức lễ động thổ Dự án Khu đô thị, Công nghiệp và dịch vụ Việt Nam - Singapore (VSIP) tại tỉnh Bắc Ninh, trao giấy chứng nhận đầu tư cho 7 nhà đầu tư đầu tiên trong dự án.

Sau 2 dự án thành công tại Bình Dương, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh là một minh chứng cho tình hữu nghị, sự hợp tác kinh tế bền chặt giữa Việt Nam và Singapore.

Một gương mặt khác trong ngành công nghiệp của Việt Nam là Công ty TNHH NATSTEELVINA. Đây là liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam với hai công ty Natsteel Ltd. Singapore và Southern Steel Berhad – Malaysia, trong 30 năm tại thành phố Thái Nguyên, để sản xuất và kinh doanh sản phẩm thép. Tổng vốn đầu tư: 21,7 triệu USD. Hiện liên doanh đã góp vốn thực hiện là 12,1 triệu USD, có doanh thu từ 1995 với mức doanh thu bình quân mỗi năm khoảng 20-25 triệu USD và hoạt động có lãi liên tục từ năm 1997 đến nay.

Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan cũng là một điểm sáng trong hợp tác Việt Nam-Singapore. Đây là công ty 100% vốn của Công ty Burghley Enterprise Pte.Ltd.-Singapore (được chuyển nhượng từ Công ty Vedan trong tháng 9 năm 2002), để sản xuất bột ngọt với công suất thiết kế 5.500 tấn/tháng tại Đồng Nai.

Tổng vốn đầu tư hiện nay 604,5 triệu USD, bắt đầu có lãi liên tục từ năm 1996 đến nay; trong vài năm từ 2000 trở lại đây tổng doanh thu hàng năm đạt 150-170 triệu USD/năm và năm sau tăng 8-10% so với năm trước.
Năm ngoái, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sự kiện này đã mang lại những cam kết đầu tư nước ngoài khổng lồ với tổng số vốn đăng ký 20,3 tỉ USD.

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung từ trước tới nay, các doanh nghiệp Singapore đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn lên đến trên 10,7 tỷ USD với 543 dự án còn hiệu lực, đứng thứ 2 trong số 81 nước và vũng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam.

Trong số vốn đăng ký của các dự án đã được cấp phép của Singapore, vốn thực hiện mới đạt trên 4 tỷ USD. Như vậy, hiện còn khoảng 6 tỷ USD vốn cam kết của các nhà đầu tư Singapore chưa thực hiện, đặc biệt trong một số dự án kinh doanh bất động sản. Do đó, việc thúc đẩy các dự án đã được cấp phép triển khai thực hiện sớm là điều hết sức quan trọng.

Các kênh hỗ trợ đã sẵn sàng

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phía Việt Nam đã tiến hành rà soát, phân loại các dự án, từ đó có các biện pháp hỗ trợ cụ thể. Đề nghị Chính phủ Singapore quan tâm vấn đề này bằng cách hỗ trợ các nhà đầu tư Singapore sớm triển khai dự án theo cam kết ban đầu, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của Singapore trong việc đầu tư vào Việt Nam.

Hiện nay, những dự án Việt Nam đang ưu tiên thu hút kêu gọi đầu tư nước ngoài đều là những ngành mà Singapore có thế mạnh: các ngành công nghệ mũi nhọn như điện tử, tin học, công nghệ thông tin; các dự án công nghiệp dịch vụ có tỷ suất sinh lời cao như khách sạn-du lịch, bất động sản... các dự án sử dụng nhiều lao động và tài nguyên sẵn có của Việt Nam; các dự án chế biến nông thuỷ sản. Vì vậy, cần khẳng định Singapore luôn là một đối tác tiềm năng trong khu vực mà Việt Nam cần chú trọng thu hút kêu gọi đầu tư.

Được biết hai bên đang triển khai điều chỉnh cơ chế “chấp thuận nhanh trong cấp Giấy chứng nhận đầu tư” thực hiện giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan phát triển kinh tế Singapore (EDB) để phù hợp với tình hình mới.
Trước đó, Việt Nam và Singapore đã ký kết Hiệp định hợp tác liên thông nhằm tạo ra một cơ chế thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên 6 lĩnh vực gồm: tài chính, giáo dục, giao thông, công nghệ thông tin, đầu tư và dịch vụ-thương mại.

Trong chuyến thăm Singapore hồi tháng 8/2007 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã mở rộng mối liên thông thêm hai lĩnh vực nữa là hạ tầng đô thị, cảng và kho vận. Mới đây nhất, ngày 30/1/2008, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tổng cục Tiền tệ Singapore đã ký biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng.

Bản ghi nhớ cho phép hai cơ quan quản lý tiền tệ của hai nước hợp tác sâu hơn trong công tác giám sát ngân hàng và tăng cường liên kết trên lĩnh vực ngân hàng giữa hai nền kinh tế. Đây là một trong những sáng kiến hợp tác song phương trong khuôn khổ Hiệp định liên thông kinh tế này.