Triều Tiên, Mỹ cùng phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục có những bước tiến tích cực mới
Triều Tiên có thể từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu sự an toàn của chính thể do ông Kim Jong Un đứng đầu được đảm bảo - hãng tin Bloomberg dẫn một tuyên bố ngày 6/3 của Hàn Quốc cho biết. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó cũng thể hiện quan điểm sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng.
Tuyên bố của Hàn Quốc cho biết ông Kim Jong Un sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Moon Jae-in tại biên giới giữa hai miền Triều Tiên vào tháng 4 năm nay. Cũng theo tuyên bố này, Triều Tiên sẵn sàng dừng các vụ thử vũ khí hạt nhân và đàm phán thẳng thắn với Mỹ về bình thường hóa quan hệ.
Đây là bước tiến được đưa ra sau khi phái đoàn quan chức Hàn Quốc trở lại Seoul sau cuộc gặp với ông Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng.
"Triều Tiên đã bày tỏ rõ ràng ý định giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, và nếu không có mối đe dọa quân sự nào, và sự an toàn của chính thể ở Triều Tiên được đảm bảo, thì họ nói là không có gì do gì phải giữ vũ khí hạt nhân cả", tuyên bố của văn phòng Tổng thống Hàn Quốc có đoạn viết.
"Có vẻ như họ đang hành động tích cực", ông Trump phát biểu trước các nhà báo ngày 6/3. "Tôi cảm thấy lạc quan".
Tại một cuộc họp báo sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định nhờ lập trường cứng rắn của ông mà ông Kim Jong Un mới sẵn sàng đàm phán. Ông cũng nói lệnh trừng phạt quốc tế đã có tác dụng đối với Triều Tiên, nhất là các biện pháp trừng phạt có sự ủng hộ của Trung Quốc. "Trung Quốc có thể làm nhiều hơn, nhưng họ đã làm nhiều hơn cho nước Mỹ so với những gì họ từng làm trước kia", ông Trump nói.
Trong tuần này, đoàn quan chức Hàn Quốc vừa có chuyến đi Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục tới Mỹ để thông báo với Washington về cuộc gặp với phía Triều Tiên.
"Đang có những bước tiến trong vấn đề đàm phán với Triều Tiên. Lần đầu tiên trong nhiều năm, một nỗ lực nghiêm túc cùng được các bên thực hiện", ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter. "Thế giới đang theo dõi và chờ đợi! Cũng có thể là hy vọng nhầm, nhưng nước Mỹ sẵn sàng hành động mạnh dù mọi chuyện đi theo hướng nào".
Trong một phiên điều trần trước Thượng viện, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats ngày 6/3 nói rằng "đã xuất hiện những tia hy vọng", nhưng cũng nói ông "khá nghi ngờ" và chính quyền Trump vẫn đang chờ được phái đoàn Hàn Quốc thông báo tình hình cụ thể.
"Đây có thể là một bước đột phá. Nhưng tôi thực sự nghi ngờ", ông Coats nói.
Nguồn tin là một quan chức Chính phủ Mỹ tiết lộ Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên nhưng yêu cầu giải trừ hoàn toàn và có thể kiểm chứng vũ khí hạt nhân là bất di bất dịch. Vị này cũng nói còn một chặng đường dài phải đi trong vấn đề Triều Tiên.
Một số nhà phân tích thì cho rằng Triều Tiên đã nhiều lần sử dụng đàm phán để "câu giờ" cho chương trình vũ khí của mình và để được nới trừng phạt. Trong cuộc đàm phán 6 bên bắt đầu vào năm 2003, Triều Tiên từng cam kết giải trừ hạt nhân. Cuộc đàm phán đổ vỡ sau khi Triều Tiên phớt lờ cộng đồng quốc tế để thực hiện một vụ phóng vệ tinh được cho là một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Vòng đàm phán 6 bên đổ vỡ vào năm 2009.
"Đây là một bước tiến, chắc chắn là dài hơn kỳ vọng của nhiều người, nhưng mới chỉ là lời nói", giáo sư khoa học chính trị Robert Kelly thuộc Đại học Quốc gia Pusan của Hàn Quốc nhận định về khả năng đàm phán Mỹ-Triều Tiên vừa được mở ra.
Cho tới gần đây, Triều Tiên vẫn cương quyết bác yêu cầu đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này. Trong một cuộc đàm phán trước thềm Thế vận hội mùa đông Pyeongchang giữa hai miền Triều Tiên, phía Triều Tiên đã chỉ trích mạnh khi phía Hàn Quốc nêu vấn đề hạt nhân.
Mới vào hôm thứ Bảy tuần trước, Triều Tiên cũng nói nước này sẽ không chấp nhận điều kiện của Mỹ. "Mỹ nhất quyết đòi chỉ đối thoại về việc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân và đòi giữ ‘sức ép tối đa’ cho tới khi hạt nhân Triều Tiên được giải trừ hoàn toàn. Điều này thật nực cười", hãng thông tấn trung ương KCNA dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói.