17:52 06/09/2012

Triều Tiên tố doanh nghiệp Trung Quốc “lừa dối”

An Huy

Theo Business Week, động thái này của Triều Tiên đẩy bất đồng xung quanh vụ việc lên một nấc mới

Công ty Xiyang cho biết, tháng trước, họ bị cắt hợp đồng tại nhà máy quặng sắt sau khi phía Triều Tiên đòi tăng tiền thuê mỏ và thuê nhà máy.
Công ty Xiyang cho biết, tháng trước, họ bị cắt hợp đồng tại nhà máy quặng sắt sau khi phía Triều Tiên đòi tăng tiền thuê mỏ và thuê nhà máy.
Tờ Business Week vừa dẫn thông tin từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 5/9 cho biết, công ty Xiyang Group có trụ sở ở Liêu Ninh, Trung Quốc, chỉ hoàn thành 50% nghĩa vụ trong hợp đồng cho dù hợp đồng đã có hiệu lực 4 năm, và “đáng bị chỉ trích”.

Trong tuyên bố này, phía Triều Tiên còn cho rằng, họ bị công ty Trung Quốc "lừa dối".

Theo Business Week, động thái này của Triều Tiên đẩy bất đồng xung quanh vụ việc lên một nấc mới, đe dọa xói mòn mối quan hệ của nước này với Trung Quốc, nhà đầu tư lớn nhất vào Triều Tiên.

Về phần mình, trước đó, công ty Xiyang cho biết, tháng trước, họ bị cắt hợp đồng tại nhà máy quặng sắt sau khi phía Triều Tiên đòi tăng tiền thuê mỏ và thuê nhà máy. Công ty Trung Quốc này thậm chí còn cho rằng, làm ăn ở Triều Tiên đúng là "ác mộng", và rằng, Triều Tiên đã vi phạm luật đầu tư của chính nước này.

Bất đồng giữa hai bên, theo bình luận của Business Week, có thể xói mòn nỗ lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhằm tăng cường đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế mà 2/3 dân số đang chịu cảnh đói nghèo và thiếu dinh dưỡng. Trung Quốc chiếm khoảng 89% kim ngạch thương mại của Triều Tiên và hai nước cũng đang đàm phán để mở rộng các khu kinh tế nhằm khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản ước tính trị giá lên tới 6 nghìn tỷ USD của Triều Tiên.

“Triều Tiên không hiểu lắm về cách thức làm ăn ở thế giới bên ngoài và tin rằng, tất cả các công ty phải vận hành theo sự chỉ huy của chính phủ. Triều Tiên và Trung Quốc rất có thể sẽ biến bất đồng này trở thành một vấn đề ngoại giao nhằm tạo lợi thế trong cuộc đàm phán về hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào các khu kinh tế chung giữa hai bên”, ông Lee Woo Young, một giáo sư thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, Hàn Quốc, nhận xét.

Xuất khẩu khoáng sản là một trong số rất ít những cách thức để Triều Tiên có được ngoại tệ. Năm ngoái, nước này xuất khẩu 1,2 tỷ USD khoáng sản, trong đó 97% được xuất sang Trung Quốc - theo báo cáo ngày 1/6 của cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, có trụ sở ở Seoul.

Nhìn lại vụ việc nói trên, vào năm 2007, Xiyang đã ký một hợp đồng sản xuất quặng sắt với công suất 500.000 tấn quặng mỗi năm. Sau đó, Xiyang cử 100 công nhân kỹ thuật tới Triều Tiên để lắp đặt nhà máy.

Theo Xiyang, tháng 9 năm ngoái, phía Triều Tiên đưa ra 16 vấn đề mà công ty này cho là “hoàn toàn đi ngược lại hợp đồng”, bao gồm tăng tiền thuê mỏ và đòi trả lương bằng nhau cho công nhân Triều Tiên và công nhân Trung Quốc. Sau đó, phía Triều Tiên cắt đứt hợp đồng vào ngày 7/2 năm nay, đồng thời hủy công ty liên doanh, cắt đường cung cấp điện, nước và viễn thông, Xiyang cho biết.

“Họ tống cổ chúng tôi đi sau khi chúng tôi đã đầu tư. Chúng tôi chẳng thể làm được gì cả”, ông Wu Xishen, một Phó giám đốc chịu trách nhiệm về đầu tư của Xiyang vào Triều Tiên, nói với Bloomberg sau khi tuyên bố của phía Triều Tiên được KCNA phát đi.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, ông Wu nói rằng: "Chính phủ Trung Quốc chẳng thể làm gì trong vụ này, vì Chính phủ quan tâm nhiều hơn tới ổn định chính trị".

Theo ông Wu, hiện Triều Tiên đã nhất trí bồi thường 31,24 triệu USD để giải quyết tranh chấp, nhưng công ty Xiyang vẫn chưa nhận được số tiền này, buộc họ phải lên tiếng.

Phát biểu về vụ việc, người phát ngôn Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ nói chung chung rằng: "Về một số vấn đề xảy ra trong hợp tác Trung Quốc-Triều Tiên, chúng tôi hy vọng hai bên có thể giải quyết vấn đề theo cách thức phù hợp".

Reuters bình luận, đáp trả của phía Triều Tiên trong vụ này là một động thái rất hiếm gặp trong quan hệ giữa nước này với Trung Quốc. Điều này cho thấy mức độ nhạy cảm của Triều Tiên đối với việc nước này ngày càng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, đồng thời diễn ra trong bối cảnh ông Kim Jong Un đang muốn có một chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh để kêu gọi đầu tư.

“Người Triều Tiên xem những lời tố cáo của Xiyang như là Chính phủ Trung Quốc đang tìm lý do để hạn chế đầu tư vào Triều Tiên. Đó là lý do vì sao mà Triều Tiên có cách phản ứng công khai đến như vậy”, giáo sư Lee Woo Young ở Seoul nhận định.

Theo bản tin của KCNA, Chính phủ Triều Tiên tuyên bố sẽ cải thiện môi trường đầu tư ở nước này nhằm “đáp ứng nhu cầu của các thời kỳ phát triển”.

Triều Tiên đến nay vẫn chưa đạt được tiến bộ đáng kể nào đối với một khu kinh tế được thành lập năm ngoái trên các quần đảo Hwanggumphyong và Wihwa thuộc sông Yalu ở khu vực biên giới với Trung Quốc. Một khu kinh tế được thành lập vào thập niên 1990 ở khu vực Rajin-Sonbong thuộc phía Đông của Triều Tiên, cho phép các tỉnh kẹt sâu trong nội địa Cát Lâm và Hắc Long Giang của Trung Quốc tiếp cận với cảng biển Rajin của Triều Tiên.

Theo KCNA đưa tin hôm 15/8, trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng trước, ông Jang Song Theak, chú của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, đã nhận được lời hứa từ phía Trung Quốc rằng Bắc Kinh sẽ “gấp rút khởi động” khu Wihwa. Hai ngày sau đó, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố rằng, hai nước sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi về đất đai và thuế để khuyến khích các công ty đầu tư vào Wihwa.

Nền kinh tế Triều Tiên đã gặp thêm nhiều khó khăn trong mấy tháng gần đây do thời tiết mưa nhiều gây ngập lụt. Theo thông tin mà Liên hiệp quốc đưa ra hồi tháng 6, có khoảng 16 trong số 24 triệu người Triều Tiên chịu tình trạng mất an ninh lương thực kinh niên, tỷ lệ suy dinh dưỡng cao do những thách thức sâu sắc về kinh tế.