09:01 20/03/2018

Trình Thủ tướng nghị định về chọn nhà đầu tư trong tháng 3 này

Bảo Anh

Phó thủ tướng yêu cầu Nghị định của Chính phủ cần bảo đảm nguyên tắc không trái quy định của luật

Kêu gọi là lựa chọn nhà đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông đang là một trong những ưu tiên của Chính phủ.
Kêu gọi là lựa chọn nhà đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông đang là một trong những ưu tiên của Chính phủ.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư; trình Thủ tướng trong tháng 3/2018.

Theo Văn phòng Chính phủ, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư đã được các Thành viên Chính phủ cho ý kiến; đa số ý kiến tán thành với phương án đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tuy nhiên, Nghị định của Chính phủ cần bảo đảm nguyên tắc không trái quy định của luật, vì vậy một số nội dung cần được nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp như: việc chỉ định nhà đầu tư; thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...

Để bảo đảm chất lượng của Nghị định, tháo gỡ vướng mắc trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về các nội dung còn ý kiến khác nhau, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2018.

Được biết, cùng với việc sửa đổi Nghị định 30/2015 nói trên, hiện Chính phủ cũng đã chỉ đạo sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức công - tư (PPP). Cả hai nghị định này sau khi sửa đổi được kỳ vọng sẽ tháo những nút thắt để có thể triển khai hiệu quả nhiều dự án PPP.

Trên thực tế, Nghị định 30/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã bộc lộ nhiều hạn chế dẫn đến dự án PPP đăng ký nhiều nhưng thực hiện được rất ít.

Theo hướng sửa đổi của cơ quan soạn thảo, một trong những điểm mới đáng chú ý của việc sửa đổi hai nghị định trên là cơ chế thanh toán cho dự án BT - hay còn gọi là hình thức đổi đất lấy hạ tầng), sẽ được bổ sung một số hình thức thanh toán khác chứ không nhất thiết phải đổi bằng đất như trước.

Cụ thể, ngoài phương thức thanh toán bằng quỹ đất như trước đây, dự thảo nghị định bổ sung phương thức thanh toán bằng quyền khai thác, kinh doanh một phần dịch vụ từ công trình. Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng đề xuất thanh toán ngang giá hoặc bù trừ chênh lệch giữa giá trị của dự án BT với giá trị của dự án khác.