14:40 14/10/2022

Trong tháng 9, các nền kinh tế châu Á chi 50 tỷ USD bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ

Bình Minh

9 tháng đầu năm nay, lượng ngoại tệ được các chính phủ ở châu Á bán ra đã đạt gần 89 tỷ USD, đánh dấu giai đoạn “đốt” dự trữ ngoại hối mạnh nhất ở khu vực này kể từ ít nhất năm 2008...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Các chính phủ ở khu vực châu Á đã rút khoảng 50 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối trong tháng 9, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ trước sự tăng giá chóng mặt của đồng USD.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ Exante Data Inc., một công ty chuyên về theo dõi các dòng chảy vốn trên toàn cầu, cho thấy các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, không bao gồm Trung Quốc, đã chi gần 30 tỷ USD để can thiệp vào thị trường tiền tệ giao ngay chỉ riêng trong tháng 9. Nếu tính cả Nhật Bản, con số này tăng lên 50 tỷ USD.

Trong 9 tháng đầu năm, lượng ngoại tệ được các chính phủ ở châu Á bán ra đã đạt gần 89 tỷ USD, đánh dấu giai đoạn “đốt” dự trữ ngoại hối mạnh nhất ở khu vực này kể từ ít nhất năm 2008, theo Exante.

Sự can thiệp này diễn ra trong bối cảnh chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index, một thước đo sức mạnh đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thị trường tiền tệ giao ngay, đang ở mức cao kỷ lục. Xu hướng tăng giá của USD diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) triển khai chiến dịch tăng lãi suất mạnh nhất kể từ thập niên 1980 để chống lạm phát. Đà tăng của đồng bạc xanh cũng làm giảm giá trị của dự trữ ngoại hối bằng các tiền tệ khác trong danh mục dự trữ của các ngân hàng trung ương.

 

Dollar Index, một chỉ số khác đo sức mạnh của đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt, đã tăng gần 20% từ đầu năm đến nay, có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ năm 2002.

Những đợt bán ra USD gần đây của những nền kinh tế gồm Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan và Nhật Bản đều được công bố rõ ràng, trong khi hoạt động tương tự của các nền kinh tế khác chủ yếu được đưa ra trong tài liệu của ngân hàng trung ương sau khi việc can thiệp đã hoàn tất. Ngoài đợt bán 20 tỷ USD của Nhật Bản trong tháng 9, Hàn Quốc bán khoảng 17 tỷ USD - theo Exante. Hồng Kông, Philipines, Đài Loan và Thái Lan cũng là những nền kinh tế bán ròng USD trong tháng 9.

“Đồng tiền của các nền kinh tế này đang đối mặt với áp lực giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Rất khó đoán lãi suất của Mỹ còn có thể tăng cao tới đâu”, chiến lược gia Alex Etra của Exante phát biểu.

Việc can thiệp vào thị trường ngoại hối có thể sẽ chưa dừng lại, vì đồng Yên trong phiên ngày 13/10 lại giảm giá xuống mức thấp nhất hơn 30 năm so với USD, đặt ra khả năng Tokyo lại có một đợt can thiệp mới.

Có một điều chắc chắn là các chính phủ ở châu Á thường sử dụng tới biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại hối để kiểm soát sự biến động tỷ giá. Tuy nhiên, lượng USD mà họ bán ra trong tháng 9 đã vượt quá mức bán ra trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19 vào tháng 3/2020.

Sự sụt giảm dự trữ ngoại hối còn có thể xuất phát từ việc các ngân hàng trung ương phân bổ lại tài sản, cũng như sự suy giảm giá trị của một số hạng mục trong dự trữ, theo Etra - Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn nằm ở việc các ngân hàng trung ương phải bán dự trữ để hút bớt đồng nội tệ.

Giảm dự trữ ngoại hối cũng là xu hướng trên toàn cầu. Dự trữ ngoại hối của thế giới trong năm nay đã giảm hơn 1 nghìn tỷ USD, tương đương giảm 8,9%, từ đầu năm đến nay, còn chưa đầy 12 nghìn tỷ USD. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu theo dõi dữ liệu này vào năm 2003.