11:30 26/12/2017

Trùm đa cấp Nga chuẩn phát hành tiền ảo riêng

Đức Anh

Từng ngồi tù vì tội lừa đảo với hệ thống đa cấp, Sergei Mavrodi sẽ phát hành tiền ảo "Mavro mới" vào 29/12 tới

Sergei Mavrodi - Ảnh: Sputnik.
Sergei Mavrodi - Ảnh: Sputnik.

Sergei Mavrodi - người đứng sau dự án đa cấp Ponzi lớn nhất tại Nga và từng bị ngồi tù vì tội lừa đảo, mới đây tuyên bố kế hoạch phát hành lại tiền ảo có tên "Mavro" của mình trên nền tảng chuỗi khối như đồng Ethereum, tờ Russia Today cho biết.

"Thời khắc thay đổi đã đến và chúng ta có thể làm rất nhiều thứ", Sergei Mavrodi viết trên website đồng thời đếm ngược ngày phát hành tiền ảo mới của mình - dự kiến vào 29/12 tới.

Quyết định phát hành lại đồng Mavro - ra mắt lần đầu tiên vào cuối năm ngoái với gần 33.000 người theo dõi, của trùm đa cấp này được cho là thúc đẩy bởi cơn sốt tiền ảo chưa từng thấy trong năm 2017. 

Đồng Mavro mới được giao dịch với giá 14 cent/đơn vị vào lúc 9h00 ngày 22/12 (giờ GMT), giảm gần 75% kể từ tháng 3/2017 - thời điểm sàn CoinMarketCap bắt đầu theo dõi dữ liệu về tiền ảo này.

Mavrodi cho biết sẽ thay thế đồng tiền ảo "lỗi thời" bằng đồng "Mavro mới" dựa trên công nghệ chuỗi khối của tiền ảo Ethereum. "Đây là công nghệ gần như không thể phá hủy", truyền thông Nga dẫn lời Mavrodi.

Ông trùm đa cấp cũng đang thúc giục các nhà đầu tư rút khỏi đồng tiền cũ bằng cách bán ra với giá 0,5 USD/đơn vị.

undefined - Ảnh 1.

Diễn biến giá gần đây của tiền ảo Mavro - Nguồn: Coinmarketcap.

Sergei Mavrodi được biết đến với vai trò đứng sau dự án tài chính đa cấp MMM (Mavrodi Mundial Moneybox) vào những năm 1990, hứa hẹn mang lại mức lợi nhuận lên tới 300%/tháng cho các nhà đầu tư. 

Khi đó, đã có tới 15 triệu người đổ xô vào hệ thống đa cấp này với khát khao kiếm tiền dễ dàng và rồi mất trắng. Ít nhất 50 người trong hệ thống này được cho là đã tự tử sau khi "kim tự tháp" kia sụp đổ, tờ Russia Today cho biết.

Theo Russia Today, đây là mô hình lừa đảo Ponzi lớn nhất tại Nga. Ponzi là mô hình lừa đảo từ thế kỷ trước, hứa hẹn mang lại lợi nhuận lớn mà ít rủi ro cho nhà đầu tư. 

Mô hình Ponzi tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư cũ bằng cách tìm thêm nhà đầu tư mới. Trong đó, nhà đầu tư cũ được trả lãi bằng số tiền của các nhà đầu tư mới. Mô hình này cuối cùng sụp đổ khi không còn đủ tiền trả lãi toàn hệ thống.

Sau thời gian dài điều tra, Mavrodi bị bắt vào năm 1994 và kết án 4,5 năm tù.

Tháng 1/2011, trùm đa cấp này cố gắng xây dựng lại dự án đa cấp trên nhưng thất bại. Một năm sau đó, ông lại tiếp tục nỗ lực khôi phục hệ thống, buộc cơ quan chức năng của Nga phải vào cuộc. Hiện Mavrodi có tên trong danh sách yêu cầu thực thi pháp luật của cảnh sát Nga.

Năm 2014, Mavrodi ra mắt mạng lưới "tài chính xã hội" có tên MMM Global Republic of Bitcoin, hứa mang lại lợi nhuận hàng tháng 100% cho nhà đầu tư. Dù dự án này dừng hoạt động vào năm 2016, các dự án khác của ông như MMM Nam Phi, MMM Trung Quốc, MMM Nhật Bản và MMM Mỹ hiện vẫn hoạt động với cam kết lãi suất 30%/tháng.

Trong bối cảnh tiền ảo lên cơn sốt trên toàn cầu, Nga vẫn khá dè chừng với việc sử dụng tiền ảo và cấm hoàn toàn việc sử dụng tiền ảo trên thị trường. Hồi tháng 9, Ngân hàng trung ương Nga lên tiếng cảnh báo rằng sử dụng tiền ảo có thể thúc đẩy các hoạt động phi pháp như rửa tiền hay tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.

Dù vậy, hồi tháng 10, tờ Business Insider đưa tin chính phủ Nga đang cân nhắc phát hành một loại tiền kỹ thuật số riêng có tên CryptoRuble. Theo tờ AIF của Nga, giới chức nước này đã thảo luận về một loại tiền ảo do chính phủ phát hành. 

Dù vẫn chưa có nhiều thông tin, nhưng CryptoRuble được cho là sẽ sử dụng công nghệ chuỗi khối giống như Bitcoin và một số tiền ảo khác đang dùng hiện tại. Tuy nhiên, thay vì phải "đào", CryptoRuble sẽ được phát hành và quản lý giống như một tiền tệ bình thường.