“Trùm” đầu cơ George Soros: Khủng hoảng tài chính lớn có thể sắp xảy ra
“Chúng ta có thể đang tiến tới một cuộc khủng hoảng tài chính lớn nữa”, ông Soros nói
Nhà đầu cơ huyền thoại, tỷ phú George Soros lo ngại rằng "một cuộc khủng hoảng tài chính lớn" nữa có thể sắp xảy đến với thế giới - CNN đưa tin.
Phát biểu tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu tại Paris ngày 29/5, ông Soros nói rằng tư tưởng bài Liên minh châu Âu (EU) gia tăng, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng USD tăng giá mạnh, và việc các nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi đang là những vấn đề gây sức ép lên nền kinh tế toàn cầu.
"Chúng ta có thể đang tiến tới một cuộc khủng hoảng tài chính lớn nữa", ông Soros nói.
"Ông trùm" đầu cơ cũng nhấn mạnh rằng sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu là một vấn đề lớn.
"EU đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng sống còn. Tất cả mọi thứ có thể đi lệch hướng đều đã đi lệch hướng", ông Soros phát biểu.
Theo vị tỷ phú, từ năm 2008, chương trình thắt lưng buộc bụng của EU đã góp phần dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay của khối sử dụng đồng tiền chung Eurozone. Chương trình này là nguyên nhân khiến các phong trào bài EU gia tăng, một phần dẫn tới Brexit và cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Italy.
"Nhiều người trẻ ngày nay xem EU như một kẻ thù đã cướp đi của họ việc làm, sự đảm bảo và một tương lai hứa hẹn. Các chính trị gia dân túy lợi dụng tâm lý bất mãn này và thành lập các đảng và phong trào chống EU", ông Soros nói.
Ông lập luận rằng cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu, "các phong trào ly khai lãnh thổ mạnh lên sau Brexit" và chính sách thắt lưng buộc bụng chính là ba thách thức lớn nhất mà châu Âu đang phải đối mặt. Ông cảnh báo rằng "vụ ly hôn Brexit sẽ là một quá trình dài, có thể mất hơn 5 năm".
Bên cạnh đó, ông Soros cũng lo ngại về vết rạn nứt ngày càng lớn giữa châu Âu và Mỹ trong vấn đề Iran. Theo ông, quyết định của Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran "về bản chất đã phá hủy mối quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương".
"Cả thế giới bị sốc bởi hành động của Tổng thống Trump", ông Soros nói.
"Diễn biến này sẽ gia tăng sức ép của lực lượng khó lường lên một châu Âu vốn dĩ đã tơi tả. Không còn là một biện pháp tu từ nữa khi nói rằng EU đang đối mặt nguy cơ sống còn, mà đó chính là sự thật phũ phàng", ông nhấn mạnh.
Ông Soros dự báo rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran "chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế châu Âu và gây ra những gián đoạn khác", và nói rằng "sức mạnh của đồng USD đã kéo theo sự tháo chạy khỏi đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi".
Tuy nhiên, nhà đầu cơ lừng danh cũng đặt ra một số tia hy vọng rằng thị trường và nền kinh tế toàn cầu có thể tránh được một đợt tai ương mới.
Chẳng hạn, ông kêu gọi EU, thay vì từng quốc gia riêng rẽ, vay thêm tiền và mở một "Kế hoạch Marshall" cho châu Phi để giải quyết vấn đề người tị nạn. Theo Kế hoạch Marshall nguyên bản của Mỹ, nước Mỹ cung cấp hỗ trợ để tái thiết châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
"EU có định hạng tín nhiệm cao và năng lực vay vốn của khối này hầu như chưa được sử dụng. Đến khi nào thì năng lực này mới nên được đưa vào sử dụng, nếu như không phải là trong một cuộc khủng hoảng sống còn?" ông đặt câu hỏi.
Ông Soros thừa nhận rằng sẽ không dễ dàng để thuyết phục nhiều nước trong EU nhất trí với một kế hoạch như vậy, nhưng ông nói thêm "thực tế phũ phàng có thể buộc các quốc gia thành viên đặt sang bên lợi ích quốc gia của mình vì lợi ích của việc bảo tồn EU".
Mặc dù vậy, ông Soros nhấn mạnh "sự kích cầu kinh tế của một Kế hoạch Marshall nên phát huy tác dụng đúng thời điểm".
Vị tỷ phú tiếp tục nhấn mạnh rằng "lợi ích kinh tế của việc duy trì địa vị thành viên EU của mỗi quốc gia là lớn, nhưng cần phải có thời gian để hiện thực hóa", và nói EU "cần phải cải tổ để trở thành một tổ chức mà những quốc gia như Anh sẽ muốn gia nhập".
Bài phát biểu trên của ông Soros được đưa ra đúng vào ngày mà thị trường tài chính toàn cầu rúng động vì những lo ngại về tương lai của EU do khủng hoảng chính trị ở Italy. Các đảng dân túy ở Italy đã không thể thành lập chính phủ, đồng nghĩa với việc phải tổ chức bầu cử sớm.
EU đã phải xoay sở với Brexit, và giờ đây Italexit đã bắt đầu trở thành một hashtag nổi lên trên các mạng xã hội. Rõ ràng, đây không phải là một tín hiệu tốt.