11:46 11/01/2024

Trung Quốc "bồi đắp và tôn vinh tinh thần doanh nhân" để vực dậy kinh tế tư nhân

Ngọc Trang

Cam kết này được đưa ra trong bối cảnh những hỗ trợ về chính sách mà Bắc Kinh đưa ra năm 2023 vẫn chưa vực dậy được tinh thần của giới doanh nhân và đầu tư tư nhân tại Trung Quốc vẫn đang đi xuống...

Kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% doanh thu thuế tại Trung Quốc, hơn 60% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và hơn 80% việc làm tại khu vực đô thị - Ảnh: Bloomberg
Kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% doanh thu thuế tại Trung Quốc, hơn 60% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và hơn 80% việc làm tại khu vực đô thị - Ảnh: Bloomberg

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu Trung Quốc, mới đây công bố kế hoạch hành động mới, trong đó cam kết sẽ nới lỏng chính sách hơn nữa cho kinh tế tư nhân.

Cam kết này được đưa ra trong bối cảnh những hỗ trợ về chính sách mà Bắc Kinh đưa ra năm 2023 vẫn chưa vực dậy được tinh thần của giới doanh nhân và đầu tư tư nhân tại Trung Quốc vẫn đang đi xuống.

“Nhà chức trách sẽ đẩy nhanh công tác lập pháp để thúc đẩy kinh tế tư nhân, mà trọng tâm là xây dựng khuôn khổ pháp lý và thể chế để hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân”, cơ quan phát triển kinh tế tư nhân thuộc NDRC cho biết.

Theo cơ quan của NDRC, kế hoạch này nhằm đảm bảo các bên tham gia thị trường có cơ hội tiếp cận bình đẳng và hợp pháp đối với tư liệu sản xuất, cạnh tranh bình đẳng và được pháp luật bảo vệ một cách công bằng. Cơ quan này cũng cam kết giải quyết các vấn đề cụ thể và phản hồi những mối lo của doanh nghiệp tư nhân, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn với nhiều chính sách và hỗ trợ.

Kế hoạch hành động mới nói trên được đăng tải trong một bài viết trên trang nhất tờ Nhân dân Nhật báo (People's Daily), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, số ra ngày 9/1.

“Trên phương diện chính sách, Chính phủ sẽ thúc đẩy sự toàn vẹn của nền kinh tế bằng cách thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tinh thần doanh nhân sẽ được bồi đắp và tôn vinh”, bài viết nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế kêu gọi Chính phủ Trung Quốc có những hành động ý nghĩa, thay vì chỉ đưa ra các biện pháp tạm thời.

Những năm gần đây, chiến dịch siết quản lý đối với nhiều ngành công nghiệp tư nhân của Chính phủ Trung Quốc, bao gồm ngành tài chính, giáo dục, game, công nghệ và internet, đã gây tác động sâu sắc tới khu vực kinh tế tư nhân nước này.

Tháng 7 năm ngoái, Bắc Kinh công bố kế hoạch hành động với 31 điểm, được xem là thông điệp mạnh mẽ chưa từng thấy của Chính phủ nhằm vực dậy tâm lý nhà đầu tư cũng như mang lại môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân. Đây là động thái quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc làm và đổi mới công nghệ. Tiếp đó, vào tháng 11, một chương trình chính sách gồm 25 điểm được công bố.

Tại hội nghị kinh tế trung ương diễn ra vào tháng trước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng khẳng định sẽ “thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của doanh nghiệp tư nhân, đồng thời đưa ra một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận thị trường, sử dụng tài nguyên, thực thi pháp luật và bảo vệ quyền lợi công bằng”.

Tuy nhiên, trong 11 tháng đầu năm 2023, đầu tư tư nhân tại Trung Quốc giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, ngược lại hoàn toàn so với mức tăng 6,5% của đầu tư từ các doanh nghiệp quốc doanh.

Nhiều người tỏ ra hoài nghi về các biện pháp cụ thể sẽ được thực hiện như thế nào, và lập trường thực sự của Bắc Kinh về vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% thu ngân sách từ thuế tại Trung Quốc, hơn 60% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và hơn 80% việc làm tại khu vực đô thị.

Trong một bài phát biểu trước Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đầu tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ tăng cường trấn áp hành vi tham nhũng bằng cách xem “hình phạt nghiêm khắc với tội phạm tham nhũng liên quan đến hành vi thông đồng giữa chính trị và kinh doanh là một ưu tiên hàng đầu”.

Bên cạnh áp lực chính sách, thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân Trung Quốc cũng chịu tác động nghiêm trọng khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc và căng thẳng địa chính trị.

Trong một dự báo về năm 2024 được công bố ngày 8/1, nhóm nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa nhận định nền kinh tư nhân Trung Quốc đang thiếu sức sống và niềm tin.

“Nhà chức trách nên cố gắng tránh gây hiểu lầm rằng việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân chỉ giải pháp tạm thời. Bên cạnh đó, phải giải quyết kịp thời các vấn đề cụ thể bằng hành động thực tế, tránh để xã hội có kỳ vọng tiêu cực về kinh tế tư nhân”, nhóm nghiên cứu viết.