Trung Quốc chính thức bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước
Lần sửa đổi Hiến pháp này cũng bao gồm đưa tư tưởng chính trị của ông Tập Cận Bình vào Hiến pháp Trung Quốc
Trung Quốc ngày 11/3 đã chính thức thông qua đề xuất bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước trong Hiến pháp, mở đường cho ông Tập Cận Bình lãnh đạo nước này qua năm 2023.
Đề xuất trên được Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra vào tháng trước, và đã được Quốc hội nước này nhất trí thông qua tại một cuộc bỏ phiếu trong khuôn khổ kỳ họp thường niên đang diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh.
Lần sửa đổi Hiến pháp này cũng bao gồm đưa tư tưởng chính trị của ông Tập Cận Bình vào Hiến pháp Trung Quốc. Tháng 10 năm ngoái, tư tưởng của ông Tập Cận Bình đã được đưa vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước ông Tập Cận Bình, mới chỉ có nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông có tư tưởng chính trị được đưa vào Điều lệ Đảng khi còn đang cầm quyền.
Ngoài ra, Hiến pháp sửa đổi của Trung Quốc còn bao gồm các điều khoản mới nhằm tạo khung pháp lý cho một siêu ủy ban chống tham nhũng mới.
Theo hãng tin Reuters, kết quả kiểm phiếu cho thấy trong số khoảng 3.000 đại biểu Quốc hội Trung Quốc, chỉ có 2 người bỏ phiếu chống và 3 người bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu thông qua Hiến pháp sửa đổi.
Giới hạn 2 nhiệm kỳ Chủ tịch nước đã được quy định trong Hiến pháp Trung Quốc năm 1982, dưới thời ông Đặng Tiểu Bình. Ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2012, tiếp đó được trao cương vị Chủ tịch nước. Đến nay ông đã chuẩn bị hoàn thành nhiệm kỳ Chủ tịch nước đầu tiên.
Ông Tập Cận Bình đã bắt đầu nhiệm kỳ Tổng bí thư thứ hai vào tháng 10 năm ngoái, và nhiệm kỳ Chủ tịch nước thứ hai của ông có thể sẽ được Quốc hội Trung Quốc thông qua vào cuối tuần này.
Chính phủ Trung Quốc đã nói rằng việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước là nhằm bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản lấy ông Tập Cận Bình làm trung tâm. Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói điều này không có nghĩa là ông Tập Cận Bình sẽ nắm quyền trọn đời.
Năm 2016, Đảng Cộng sản Trung Quốc trao cho ông Tập Cận Bình là "hạt nhân trung tâm", củng cố mạnh vai trò lãnh đạo của ông ở thời điểm đó.
Không chỉ là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình còn là người giữ cương vị Tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc. Với Hiến pháp sửa đổi của Trung Quốc, các chức vụ này đều không còn giới hạn chính thức nào về nhiệm kỳ.