Trung Quốc đề xuất bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước
Động thái này mở đường cho ông Tập Cận Bình có thể lãnh đạo Trung Quốc qua năm 2023
Trung Quốc sẽ dỡ bỏ quy định trong Hiến pháp của nước này về số nhiệm kỳ tối đa mà Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước có thể nắm giữ, mở đường cho ông Tập Cận Bình có thể lãnh đạo qua năm 2023.
Tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng dẫn một bản tin của Tân Hoa Xã ngày 25/2 cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề xuất loại bỏ dòng nội dung quy định Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước Trung Quốc "sẽ phục vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp" ra khỏi Hiến pháp nước này.
Sau đó, Tân Hoa Xã công bố toàn bộ bản đề xuất dài 4.480 từ bằng tiếng Trung Quốc. Đề xuất này sẽ được Quốc hội Trung Quốc xem xét trong kỳ họp vào tháng tới. Bản đề xuất được đề ngày 26/1, một tuần sau khi Trung ương Đảng Trung Quốc với hơn 200 ủy viên có cuộc họp bàn về sửa đổi Hiến pháp.
Ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, tái đắc cử Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái và được dự kiến sẽ trúng thêm một nhiệm kỳ Chủ tịch nước thứ hai tại kỳ họp Quốc hội bắt khai mạc vào ngày 5/3.
Trong những thập kỷ gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc dường như có một quy định "bất thành văn" về tuổi nghỉ hưu đối với các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của đảng là 68 tuổi, nhưng điều lệ đảng này không có quy định nào về giới hạn số nhiệm kỳ. Điều này đồng nghĩa với việc không có hạn chế số nhiệm kỳ đối với chức vụ Tổng bí thư, nhưng Hiến pháp Trung Quốc có quy định rõ về việc Chủ tịch nước chỉ được nắm giữ tối đa hai nhiệm kỳ với thời gian 5 năm mỗi nhiệm kỳ.
Theo giới phân tích, việc xóa bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước Trung Quốc là tín hiệu rõ nét nhất cho thấy ông Tập Cận Bình có thể cầm quyền lâu hơn những người tiền nhiệm gần đây của ông, trong bối cảnh vai trò lãnh đạo Trung Quốc của ông "gắn liền với sự ổn định".
"Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ông Tập Cận Bình sẽ nắm quyền lâu hơn mức giới hạn nhiệm kỳ hiện tại", ông Deng Yuwen, một cựu biên tập viên của tờ Thời báo Nghiên cứu - một tờ báo trực thuộc Trường Đảng Trung ương Trung Quốc - nhận định.
Một bài xã luận của tờ Thời báo Hoàn cầu nói rằng việc gỡ bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ có thể sẽ giúp duy trì hệ thống mà trong đó cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước, và Tổng tư lệnh quân đội của Trung Quốc cùng do một người nắm giữ.
"Trong hai thập kỷ qua, bộ ba vị trí lãnh đạo gồm Tổng bí thư Trung ương Đảng Trung Quốc, Chủ tịch nước, và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã được định hình và chứng tỏ tính hiệu quả", bài viết có đoạn. "Việc dỡ bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ đối với vai trò Chủ tịch nước Trung Quốc có thể giúp duy trì hệ thống bộ ba này và tăng cường thể chế đối với sự lãnh đạo đảng và đất nước".
Tuy nhiên, bài viết dẫn một nguồn tin là quan chức không tiết lộ danh tính nói: "Thay đổi này không có nghĩa là Chủ tịch nước Trung Quốc sẽ nắm quyền trọn đời".
Tuyên bố ngày 25/2 được đưa ra sau một cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc hôm Chủ nhật và trước một cuộc họp ba ngày của Trung ương Đảng Trung Quốc để bàn về vấn đề nhân sự và sửa đổi Hiến pháp, chuẩn bị trình lên kỳ họp Quốc hội sắp tới tại Bắc Kinh.
Tân Hoa Xã cũng nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề xuất đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới" vào Hiến pháp nước này. Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng dự định đưa "siêu cơ quan" chống tham nhũng mới được thành lập là Ủy ban Giám sát Quốc gia trở thành một cơ quan nhà nước được nêu trong Hiến pháp.
Dù dự định dỡ bỏ quy định về thời gian cầm quyền tối đa của Chủ tịch nước, Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất đưa vào Hiến pháp một câu nhấn mạnh tầm quan trọng vai trò lãnh đạo của đảng - Tân hoa xã cho biết. "Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc giữ vai trò quyết định tương lai của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc", đề xuất có đoạn viết.