Trung Quốc điều tra FedEx, lời cảnh báo dành cho Mỹ
Trung Quốc đã có động thái nhằm vào tập đoàn vận tải và giao nhận Mỹ FedEx trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nước
Trung Quốc đã có động thái nhằm vào tập đoàn vận tải và giao nhận Mỹ FedEx trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nước. Đây được xem là một dấu hiệu về những gì Trung Quốc có thể làm với các công ty nước ngoài bị đưa vào sách "không đáng tin cậy" mà Bắc Kinh dọa sẽ sớm công bố.
Theo hãng tin Bloomberg, nhà chức trách Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra nhằm vào "lỗi giao hàng" của FedEx. Cuộc điều tra này giống như một lời cảnh báo của Bắc Kinh đối với Washington sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lệnh cấm lên tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei.
Cách đây ít hôm, FedEx đã lên tiếng xin lỗi về lỗi xảy ra trong việc giao gói hàng của Huawei, sau khi hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin nói rằng một số bưu kiện mà Huawei gửi qua FedEx đã bị trả lại người gửi, và Huawei đang xem xét lại mối quan hệ với FedEx.
Cũng theo bản tin của Reuters, hai gói hàng chứa tài liệu của Huawei gửi FedEx chuyển từ Nhật Bản sang Trung Quốc đã bị chuyển hướng tới Mỹ mà không có sự cho phép của người gửi.
Trung Quốc mở cuộc điều tra đối với FedEx với lý do FedEx vi phạm pháp luật và quy định của Trung Quốc, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, một bản tin của hãng thông tấn Tân Hoa Xã ngày 1/6 cho biết.
"Cuộc điều tra nhằm vào FedEx nhằm giúp đảm bảo trật tự thị trường đối với dịch vụ giao nhận ở Trung Quốc và giúp bảo vệ các quyền hợp pháp của các công ty và người sử dụng dịch vụ Trung Quốc", ông Ma Junsheng, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu chính Trung Quốc, nói với truyền hình quốc gia CCTV ngày Chủ nhật. "Việc này giúp đảm bảo an ninh bưu chính và an ninh kinh tế".
Một bản tin của CCTV cho biết Trung Quốc đã lên một danh sách các thực thể không đáng tin cậy, và cuộc điều tra đối với FedEx sẽ là lời cảnh báo đối với các công ty và cá nhân nước ngoài "vi phạm pháp luật và các quy định của Trung Quốc".
Theo Tân Hoa Xã, để xác định một thực thể nước ngoài là không đáng tin cậy, Trung Quốc sẽ xem xét liệu công ty, cá nhân hay tổ chức nước ngoài đó có phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc. Các tiêu chí khác bao gồm vi phạm nguyên tắc thị trường, phá hợp đồng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp Trung Quốc, hoặc đặt ra mối đe dọa an ninh quốc gia.
Với một bản danh sách như vậy, Trung Quốc có thể nhằm vào nhiều công ty trong ngành công nghiệp toàn cầu, đặc biệt là những công ty Mỹ và của các quốc gia khác đã cắt quan hệ với Huawei như Google, Qualcomm, Intel, Toshiba, ARM…
Chiến tranh thương mại lan rộng và leo thang đang phủ bóng lên nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc được cho là có thể hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ để trả đũa. Trên một mặt trận khác, Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế quan 5% lên toàn bộ hàng hóa Mexico nhập khẩu vào Mỹ và sẽ tăng thuế cho tới khi nào Mexico chặn dòng người di cư vượt biên trái phép vào Mỹ.
Giới đầu tư hiện đang chờ cuộc gặp của ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh khối G20 ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia có quan điểm thận trọng không đặt kỳ vọng hai bên sẽ nhanh chóng tìm ra được giải pháp cho chiến tranh thương mại.
Nhà Trắng cho biết, ông Trump có thể yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin gặp các quan chức Trung Quốc tại Nhật Bản vào tuần tới.