16:51 08/08/2018

Trung Quốc dùng cách mới để “đỡ” tỷ giá Nhân dân tệ?

An Huy

Nếu không có sự can thiệp ngầm từ Bắc Kinh, sự giảm giá của Nhân dân tệ có thể diễn ra mạnh mẽ hơn

Từ giữa tháng 6, khi xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang mạnh, tỷ giá Nhân dân tệ đã giảm hơn 6%
Từ giữa tháng 6, khi xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang mạnh, tỷ giá Nhân dân tệ đã giảm hơn 6%

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá mạnh thời gian gần đây trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang và kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Nếu không có sự can thiệp ngầm từ Bắc Kinh, sự giảm giá của Nhân dân tệ có thể diễn ra mạnh mẽ hơn - theo Wall Street Journal.

Tờ báo này được các nhà giao dịch tại 4 định chế tài chính lớn ở Thượng Hải tiết lộ rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) không còn sử dụng biện pháp can thiệp truyền thống là chi hàng tỷ USD để mua vào Nhân dân tệ nhằm giữ giá đồng nội tệ nữa. Thay vào đó, PBoC "đỡ" tỷ giá Nhân dân tệ thông qua các giao dịch hoán đổi ngoại tệ (swap) ít được chú ý.

"PBoC đang điều chỉnh kỳ vọng về tỷ giá Nhân dân tệ trên thị trường kỳ hạn, vì họ không muốn tốn tiền vào thị trường giao ngay. Nếu không có hành động của PBoC trên thị trường kỳ hạn, đồng Nhân dân tệ có thể giảm giá mạnh hơn nhiều", chuyên gia kinh tế Suan Teck Kin thuộc United Overseas Bank phát biểu.

Dữ liệu công bố hôm thứ Ba cho thấy, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng nhẹ trong tháng 7, với mức tăng 3,13 tỷ USD so với tháng 6, đạt mức 3,11 nghìn tỷ USD. Đây là tháng thứ hai liên tiếp dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng, bất chấp Nhân dân tệ lao dốc. Sự ổn định này được cho là sẽ giúp cùng cố niềm tin vào Nhân dân tệ và ngăn sự thoái vốn ồ ạt.

Từ giữa tháng 6, khi xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang mạnh, tỷ giá Nhân dân tệ đã giảm hơn 6%. Các nhà phân tích cho rằng sự giảm giá này phần nào phản ánh rằng Bắc Kinh sẵn sàng để đồng Nhân dân tệ mất giá nhằm bù đắp ảnh hưởng bất lợi của việc Mỹ áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo giới giao dịch, PBoC đã can thiệp mạnh trên thị trường hoán đổi ngoại tệ USD-Nhân dân tệ, thông qua các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc. Sự can thiệp này tạo ra kỳ vọng về một đồng Nhân dân tệ mạnh trong tương lai.

Trong một giao dịch hoán đổi tiền tệ điển hình, PBoC mua USD bằng Nhân dân tệ trả trước ở thời điểm hiện tại, rồi bán kỳ hạn USD vào thời điểm 1 năm tính từ hiện tại. Nghiệp vụ này giúp tỷ giá kỳ hạn của USD so với Nhân dân tệ giảm xuống, đồng nghĩa với tỷ giá giao ngay của Nhân dân tệ so với USD ở thời điểm tương lai sẽ tăng lên.

Bằng cách này, Bắc Kinh tránh tình trạng phải "đốt" dự trữ ngoại hối để cứu tỷ giá.

Có vẻ như Trung Quốc đã rút ra bài học "đau thương" từ đợt giảm giá Nhân dân tệ trước đây. Từ năm 2015-2017, nước này đã tiêu tốn gần 1/4 trong dự trữ ngoại hối gần 4 nghìn tỷ USD để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.

"Bằng cách mua USD vào lúc này và hoán đổi USD lấy Nhân dân tệ sau 1 năm, PBoC có thể sử dụng hiệu quả USD để hỗ trợ đồng Nhân dân tệ mà không bào mòn dự trữ ngoại hối", trưởng bộ phận giao dịch tiền tệ một ngân hàng Trung Quốc ở Thượng Hải phát biểu.

Trong một bước đi khác nhằm hỗ trợ tỷ giá, vào hôm thứ Sáu tuần trước, PBoC yêu cầu các ngân hàng mua bán các hợp đồng kỳ hạn USD cho khách hàng phải đặt cọc 20% giá trị hợp đồng tại PBoC. Yêu cầu này đồng nghĩa rằng việc bán khống Nhân dân tệ sẽ trở nên tốn kém hơn.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường ngoài Trung Quốc đại lục có lúc đạt mức 6,8063 Nhân dân tệ đổi 1 USD, mức cao nhất trong 1 tuần.